Miền Tây cần chủ động đón lũ muộn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:48, 21/09/2020

(TN&MT) - Rằm tháng Bảy nước đã không nhảy qua bờ như thường lệ nhưng có nhiều khả năng lượng mưa sẽ gia tăng trái mùa nên miền Tây cần chuẩn bị đón lũ muộn và đề phòng triều cường ven biển.

Từ đầu mùa mưa đến nay nền nhiệt tăng, lượng bốc hơi nhiều hơn nhưng lượng mưa lưu vực Mekong ít hơn trung bình nhiều năm

Các nguồn tin khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết hiện tượng đáng lưu ý nhất mùa mưa năm nay là nền nhiệt gia tăng. Tháng 8, nhiệt độ trung bình cao hơn 0,9 độ C so với mức trung bình cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là 10 ngày đầu tháng 9 nhiệt độ trung bình cao hơn 1,9 độ C so với mức trung bình nhiều năm và cao hơn 2,1 độ C so cùng kỳ năm 2019. Lượng bốc hơi gia tăng nhưng lượng mưa lưu vực Mekong từ đầu mùa đến nay thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm ngoái khiến lưu lượng nước trên sông Mekong suy kiệt tới mức chưa từng có trong lịch sử.

Lũ thượng nguồn suy kiệt, nước về miền Tây ít hơn mùa hạn lịch sử 35%

Đến trung tuần tháng 9, diễn biến thủy văn trên sông Mekong dường như không có dấu hiệu của lũ. Ghi nhận mực nước sông Mekong theo các thời điểm định kỳ xác lập cơ sở so sánh trong lãnh thổ Vương quốc Campuchia, cụ thể tại trạm Karatie (đầu nguồn) và trạm Kompong Luong (Biển hồ) từ đầu mùa mưa đến nay có biến đổi chậm, không phản ánh rõ động thái của lũ tiền lệ.

Biên độ lũ ở thượng nguồn Mekong (từ Kratie đến Prek Kdam) tháng 8 nước lên chậm, biên độ lũ lên từ 2,5 mét đến 7,2 mét, mức cao nhất thấp hơn cùng kỳ 2019 từ 0,7 mét đến 1,8 mét và thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 2,2 mét đến 3 mét. Lúc 7h sáng ngày 14/9/2020 mực nước đầu nguồn Mekong thấp hơn mức trung bình năm 2019 ít nhất là 1,73 mét và thấp hơn mức trung bình nhiều năm ít nhất là 4,12 mét.

Tổng lượng nước mùa lũ của dòng Mekong đã suy kiệt tới mức thấp nhất lịch sử. Theo Đài KTTV Kiên Giang, tổng lượng nước mùa lũ tính từ ngày 1/6 đến ngày 7/9/2020 tại trạm Kratie (Campuchia) khoảng 86,32 tỉ mét khối, thấp hơn tổng lượng trung bình cùng kỳ nhiều năm khoảng 104 tỉ mét khối, thấp hơn mức trung bình cùng kỳ năm 2019 khoảng 31,25 tỉ mét khối, thấp hơn năm 2015 (trước khi xảy ra đại hạn miền Tây) khoảng 34,65 ti mét khối. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về miền Tây thấp hơn mức trung bình nhiều năm là 55%, thấp hơn năm hạn lịch sử 2015 là 35% và thấp hơn năm 2019 là 20%.

Cao điểm mùa lũ thường lệ, tháng 8 và nữa đầu tháng 9, lượng nước từ Campuchia đổ vào hai chỉ lưu sông Tiền, sông Hậu về miền Tây ít hơn cùng kỳ năm trước và mức trung bình nhiều năm. Mực nước ghi nhận tại các trạm đầu nguồn thấp nhất xuất hiện trong tuần đầu tháng, mực nước cao nhất xuất hiện trong tuần cuối tháng đều thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,1 mét đến 0,5 mét. Ngày 8/9, mực nước đầu nguồn sông Tiền là 1,68 mét, thấp hơn 1,17 mét so cùng kỳ năm 2019.

Đến trung tuần tháng 9, nhiều diện tích đất nông nghiệp trong hệ thống đê bao khép kín ở đầu nguồn thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười nông dân không gieo trồng lúa vụ 3 như những năm trước, mở cống đón lũ, nhận phù sa, trữ nước cho mùa khô năm tới nhưng nước vẫn chưa tràn đồng. Nội đồng tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, trong nữa đầu tháng 9 mực nước cũng thấp hơn cùng kỳ 2019 từ 0.2 mét đến 1 mét và dự báo của Đài KTTV An Giang thì mực nước cao nhất cuối tháng 9 vùng Hạ lưu sông (tại Long Xuyên, Chợ Mới, Vàm Nao) vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,35 mét đến 0,45 mét.

Nhiều khả năng sang tháng 10 và tháng 11 mực nước trên sông Tiền, sông Hậu sẽ lên nhanh do ảnh hưởng một phần do lũ đầu nguồn về và lượng mưa nội vùng gia tăng

Sẽ xuất hiện những đợt mưa trái mùa, lũ muộn

Tuy nhiên, các dữ liệu KTTV phản ánh dao động khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương, cho thấy đang có những tín hiệu chuyển dần từ hiện tượng El Nino sang La Nina. Đài KTTV Kiên Giang ghi nhận, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO3.4) thấp hơn so với trung bình 0,7 độ C trong tuần đầu tháng 9 (giảm 0,1 độ C so với tuần đầu tháng 8) đang tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 65 - 70%. 

Dưới tác động của hiện tượng La Nina,dự báo nhiệt độ từ tháng 11, tháng 12/2020 sẽ thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 đến 1 độ C; không khí lạnh ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa khô năm 2020 - 2021 có xu hướng thấp hơn so với mùa khô năm ngoái. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm; mưa có xu hướng gia tăng so với trung bình nhiều năm ở khu vực miền Trung và phía Nam - đáng lưu ý khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn.

Từ cuối tháng 9, dự báo tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về miền Tây vẫn ở mức thiếu hụt từ 20 - 35% so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ năm 2019 nhưng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa nhiều trên lưu vực sông Mekong, mực nước trên các sông, kênh miền Tây chịu ảnh hưởng của lượng nước thượng nguồn, thủy triều biển Đông và lượng mưa nội vùng tăng do ảnh hưởng rìa Tây Nam hoàn lưu bão số 5 có biến đổi nhanh hơn.

Sang tháng 10 nhiều khả năng lượng mưa sẽ gia tăng và có thể xuất hiện những đợt mưa trái mùa. Đài KTTV Kiên Giang nhận định lượng mưa từ tháng 10 đến tháng 11/2020 tại khu vực tỉnh Kiên Giang cao hơn trung bình nhiều năm từ 10% đến 20%; từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021 nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa trái mùa, khiến tổng lượng mưa cũng có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm.

Theo đó, sang tháng 10 và tháng 11 mực nước sẽ lên nhanh do ảnh hưởng một phần do lũ đầu nguồn sông Cửu Long về và mưa lớn tại chỗ. Dự báo đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ơ mức xấp xỉ báo động 1 và xuất hiện muộn vào khoảng giữa tháng 10. Khả năng xuất hiện lũ lớn không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực. Khu vực tỉnh Kiên Giang, mực nước cao nhất năm khả năng xuất hiện vào nữa đầu tháng 11/2020 ớ mức báo động 1 tại các trạm Tân Hiệp (kênh Cái Sắn) 0,9 mét; Vĩnh Điều (kênh Vĩnh Tế) 1,7 mét; Vĩnh Phú (Kênh T3) 1,5 mét; Nông trường  (kênh T5) 1,6 mét; Nam Thái Sơn (kênh Tri Tôn) 0,9 mét.

Cần chú ý các đợt triều cường sắp tới để có biện pháp ứng phó ngập lụt cục bộ, sạt lở ven biển

Đề phòng triều cường, gây ngập úng, sạt lở

Trên cơ sở phân tích các dữ liệu diễn biến thời tiết, Đài KTTV Kiên Giang dự báo trong các tháng đầu mùa khô 2020 - 2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, xâm nhập mặn vùng cửa sông Kiên Giang đến sớm hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019 - 2020.

Các địa phương ven biển bờ Đông và bờ Tây cần đề phòng xuất hiện nước dâng, sóng cao kết hợp với triều cường. Một trong những vị trí trọng điểm là khu vực xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) kể từ nữa cuối tháng 9/2020 do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam mạnh. Cần đặc biệt chú ý các đợt triều cường sắp tới, cụ thể: từ ngày 23 đến ngày 25/9; từ ngày 11 đến ngày 13/10 và từ ngày 20 đến ngày 22/10, thời gian xuất hiện triều cường chủ yếu vào buổi trưa đền chiều tối.

Thực tế tại các địa phương ven biển miền Tây cho thấy dù mực nước mùa lũ biến đổi chậm, thấp hơn cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm nhưng tình trạng ngập úng vẫn xảy ra. Đơn cử, tháng 8 vừa qua, trong khi mực nước thấp hơn năm xảy ra hạn lịch sử (2016) từ 0,05 mét đến 0,15 mét thì khu vực ven biển huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đã xuất hiện 2 lần nước dâng kết hợp triều cường gây ngập nhẹ trong thòi gian ngắn (từ 10 đến 20 phút) vào ngày 2 và ngày 4/8 với mức ghi nhận tại trạm Thủy văn Xẻo Rô (sông Cái Lớn) là 0,98 mét (thấp hơn BĐIII 0,02 mét).

Hùng Long