Long An: Mở rộng hơn 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Đất đai - Ngày đăng : 20:40, 20/09/2020
Công nghệ phun tưới tự động trong sản xuất rau màu ở Long An |
Chú trọng đến môi trường
Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (gọi tắt là Đề án) là một trong hai chương trình đột phá nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện Đề án, tỉnh Long An đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Long An.
Cùng với đó, UBND tỉnh Long An phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2020 cho các huyện, thị xã, thành phố. Hướng dẫn các huyện lập, trình thẩm định và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Hoàn thành, trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Theo ngành chức năng tỉnh Long An, thông qua công tác thông tin tuyên truyền, đến nay người dân nhận thức ngày càng rõ ràng hơn vai trò liên kết sản xuất, nhất là tại các vùng triển khai Đề án. Vì vậy, công tác vận động thành lập tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) có nhiều thuận lợi hơn. Lũy kế đến nay, thành lập 44 HTX, 149 THT tại các vùng triển khai Đề án.
Về hiệu quả hoạt động, có 22,7% HTX hoạt động đạt mức khá, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như lợi ích kinh tế của hộ thành viên có nâng lên; từng bước được thực hiện vai trò gắn kết hộ thành viên, nông dân với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Một số HTX còn làm tốt vai trò gắn kết với nông dân trong xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn được thị trường chấp nhận nên tiêu thụ hàng hóa nông sản được thuận lợi hơn, đã góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Đặc biệt, thực hiện các điểm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tại vùng trồng lúa, rau, thanh long thực hiện xây dựng hố, thùng thu gom vỏ chai bao bì thuốc bảo vệ thực vật làm cho cảnh quan môi trường thông thoáng sạch đẹp. Hiện, đang tổ chức xây dựng 2.140 lò đốt rác tại hội gia đình vùng thanh long.
Đồng thời, các địa phương trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiến hành phân loại bao bì và vỏ chai để được ngành TN&MT tỉnh đến thu gom, xử lý đúng theo quy định theo định kỳ mỗi tháng thu gom một lần.
Các vùng trồng thanh long tại Long An được quan tâm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường |
Mở rộng diện tích sản xuất
Theo định hướng của UBND tỉnh Long An, trong giai đọan 2021-2025, Long An sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện lên 71.300 ha; cụ thể, cây lúa 60.200 ha, thanh long 6.000 ha, cây chanh 3.000 ha, duy trì 2.000 ha rau ứng dụng công nghệ cao, con tôm 100 ha ứng dụng công nghệ cao...
Để thực hiện tốt mục tiêu sản xuất, tỉnh Long An sẽ tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, về nông nghiệp hữu cơ; về những yêu cầu thị trường buộc phải ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành trong sản xuất.
Đồng thời, hỗ trợ các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Tuyên truyền mời gọi mọi tổ chức cá nhân kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi nhằm cung cấp giống có chất lượng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng đề án về nông nghiệp hữu cơ. Tập trung thực hiện liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Có giải pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho các THT, HTX hoạt động có hiệu quả.
Đối với công tác quy hoạch, tỉnh Long An sẽ triển khai thực hiện quy hoạch, rà soát, điều chỉnh bổ sung để tích hợp chung vào quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chú trọng quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.
Bên cạnh đó, rà soát lại hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi đảm bảo cho việc tưới, tiêu. Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ban hành cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, trong đó quan tâm đến chính sách đất đai cho các doanh nghiệp đầu tàu, sản phẩm chủ lực tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng.
Đồng thời, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.