Thiết bị hạn chế phát thải vi nhựa giành giải thưởng James Dyson
Thế giới - Ngày đăng : 17:26, 19/09/2020
Nguyên mẫu thiết bị Tyre Collective đã thu thập 60% tất cả các hạt trong không khí từ lốp xe trong các cuộc thử nghiệm. Ảnh: PR |
Thiết bị Tyre Collective của một nhóm sinh viên cao học tại Đại học Hoàng gia London và Đại học Nghệ thuật Hoàng gia (Anh) đã giành được giải thưởng năm nay với giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do lốp xe bị mài mòn khi tham gia giao thông đường bộ.
Mỗi khi xe phanh gấp, tăng tốc hoặc vào cua, lốp xe bị mài mòn do ma sát và thải ra các hạt nhựa nhỏ li ti vào không khí. Chỉ riêng ở châu Âu, ô tô tham gia giao thông đã tạo ra 500.000 tấn hạt nhựa lốp hàng năm. Theo ước tính, trên toàn cầu, độ mòn của lốp xe chiếm gần một nửa lượng khí thải dạng hạt qua vận chuyển đường bộ. Nó cũng là chất ô nhiễm vi nhựa lớn thứ 2 bị rửa trôi xuống đại dương sau nhựa sử dụng một lần.
Thiết bị mới được lắp vào bánh xe và sử dụng tĩnh điện để thu nhận các hạt khi lốp xe bị bào mòn, tận dụng các luồng không khí xung quanh bánh xe đang quay. Theo các nhà thiết kế, nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới của thiết bị này đã thu nhận 60% các hạt vi nhựa trong không khí từ lốp xe trong môi trường thử nghiệm.
Các sinh viên Siobhan Anderson, Hanson Cheng, M Deepak Mallya và Hugo Richardson tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Kỹ thuật đổi mới thiết kế do hai trường đồng điều hành. Họ là những người có chung niềm đam mê với môi trường và sử dụng thiết kế để tạo ra tác động có ý nghĩa cho xã hội.
“Là một đội, sức mạnh của chúng tôi nằm ở sự đa dạng. Chúng tôi đến từ 4 nơi trên thế giới và có nhiều kiến thức về kỹ thuật cơ khí, thiết kế sản phẩm, kiến trúc và cơ sinh học”, sinh viên Hugo Richardson cho biết.
“Việc lốp xe bị mòn rất dễ nhận biết, nhưng dường như không ai nghĩ về việc nó sẽ đi đâu, và chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện ra các hạt lốp xe là chất ô nhiễm vi nhựa lớn thứ hai trong đại dương. Với thiết bị Tyre Collective, chúng tôi kết hợp các giá trị bền vững vào thiết kế sản phẩm để nắm bắt tình trạng mài mòn của lốp tại gốc”, Richardson cho biết thêm.
Sau khi được thu nhận, các hạt vi nhựa có thể được tái chế và tái sử dụng trong lốp xe mới hoặc các vật liệu khác. Nhóm sinh viên trên đã in danh thiếp bằng mực làm từ bụi lốp thu thập được. Đồng thời, còn có các ứng dụng tiềm năng khác như in 3D, cách âm hoặc thậm chí sản xuất lốp xe mới, tạo ra một hệ thống khép kín.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Không khí Na Uy, hơn 200.000 tấn hạt nhựa nhỏ bị rửa trôi từ các con đường xuống biển mỗi năm. Tìn hình này có thể tồi tệ hơn khi Vương quốc Anh ngày càng sử dụng nhiều loại xe điện, vốn có xu hướng nặng hơn các mẫu xe chạy xăng hoặc diesel tương đương vì có cục pin trữ điện, khiến việc lốp xe bị mòn nhiều hơn.
Sáng chế của nhóm sinh viên sẽ được tham gia cuộc thi quốc tế cho vòng chung kết của giải thưởng James Dyson vào tháng 11. Người chiến thắng chung cuộc trên toàn thế giới sẽ nhận thêm 30.000 bảng Anh tiền thưởng, cùng với số tiền 2.000 bảng Anh được trao cho người chiến thắng quốc gia của Anh.
Giải thưởng James Dyson là một giải thưởng thiết kế sinh viên quốc tế thách thức những người trẻ tuổi để "thiết kế các sản phẩm để giải quyết được một vấn đề". Cuộc thi dành cho sinh viên trình độ đại học (hoặc sinh viên mới tốt nghiệp) thuộc các ngành thiết kế sản phẩm, thiết kế công nghiệp và cơ khí.
Năm 2020 là năm thứ 16 giải thưởng James Dyson được tổ chức, hoạt động tại 27 quốc gia dành cho sinh viên đại học và sinh viên mới tốt nghiệp nghiên cứu thiết kế sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp và kỹ thuật. Giải thưởng này ghi nhận và tôn vinh các giải pháp thiết kế giàu trí tưởng tượng cho các vấn đề toàn cầu về môi trường.