Xuyên đêm tháo dỡ 2 đập tạm ngăn mặn ở Đà Nẵng

Tài nguyên - Ngày đăng : 20:34, 18/09/2020

(TN&MT) - Trước khi bão số 5 áp sát đất liền, Công ty cổ phẩn Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) - đơn vị xây lắp, tháo dỡ đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ phía hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã cấp tốc tháo dỡ 2 đập tạm ngăn mặn này xuyên đêm.

Đến khoảng 10h sáng 18/9, khối lượng đập ngăn thứ 2 chỉ được tháo dỡ 1 phần, khoảng chừng 30m, còn hơn 100m khối lượng chiều dài đập. Ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Cấp nước Đà Nẵng - đơn vị xây lắp, tháo dỡ đập ngăn mặn, cho biết: Do nước mưa ngập nền bờ đất nên việc triển khai tháo dỡ đập muộn hơn dự kiến.

Công ty cổ phẩn Cấp nước Đà Nẵng đã cấp tốc tháo dỡ 2 đập tạm ngăn mặn này xuyên đêm

"Ngay khi tập trung được lực lượng, xe máy, công tác tháo dỡ được thực hiện lúc 3h ngày 18/9. Đến 10h sáng nay, lực lượng thi công đã tháo dỡ được khoảng 40m đập ngăn mặn thứ 2. Công tác tháo dỡ sẽ tiếp tục triển khai cho đến khi hoàn thành việc tháo dỡ cả 2 đập tạm này", ông Nam cho hay.

Theo ông Nam, hiện nước lũ từ đầu nguồn bắt đầu về, cùng với nước triều dâng cũng bắt đầu lên, nên công tác triển khai tháo dỡ đập hết sức cẩn trọng. Không thể tháo dỡ nhanh, cũng không được tháo dỡ quá chậm.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cảnh báo: Nếu mưa lớn xảy ra, nước thượng nguồn đổ về bất ngờ thì các đập ngăn mặn sẽ có nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, Đà Nẵng và Quảng Nam đã hứng chịu nhiều hậu quả của những bất cập về quy hoạch các hồ thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, đặc biệt là việc thủy điện Đăk Mi 4 chuyển hơn 50% tổng trữ lượng nước của lưu vực của sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Từ năm 2012 đến cuối năm 2019, tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước xảy ra thường xuyên trong mùa kiệt, thậm chí còn xảy ra trong mùa mưa bão.

Đến khoảng 10h sáng 18/9, khối lượng đập ngăn thứ 2 chỉ được tháo dỡ 1 phần, khoảng chừng 30m, còn hơn 100m khối lượng chiều dài đập

Đại diện Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, mùa khô năm 2020, lượng dòng chảy tại sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ bị thiếu hụt từ 40 – 90% tùy nơi, mực nước trung bình sẽ xuống thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp. Tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông khả năng sớm hơn và ở mức cao tương đương hoặc cao hơn năm 2019.

Trước tình hình này, UBND thành phố đã cho phép Dawaco thi công 2 tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ trong tháng 1 và tháng 3/2020 nhằm ứng phó khẩn cấp tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2020 và năm 2021 cho đến khi Dawaco thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng thêm trạm bơm và tuyến ống chuyển tải nước ngọt từ đập dâng An Trạch về NMN Cầu Đỏ. 

Được biết, công trình đập tạm thứ nhất tại sông Cẩm Lệ, tại vị trí thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương được xây dựng hoàn thành ngày 14/1/2020. Đập có quy mô dài 178,54m, bố trí về phía thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương cách cầu khoảng 150m. Kết cấu đập tạm bằng hàng cọc cừ Larsen loại IV; thông số cừ (400x170x15,5mm), hai bên bờ đóng cừ 9m dài 78,54m, còn đoạn giữa 100,0m đóng cừ dài 12m, cao độ đỉnh cừ tuyến đập tạm là +1,00m.

Nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về lớn

Tuyến đập tạm số 2 dài 120,42 m bố trí về phía hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương, cách cầu khoảng 130 m. Đập xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 3/2020. Đập có kết cấu bằng hàng cọc cừ Larsen loại IV; thông số cừ (400x170x15,5 mm), cao độ đỉnh cừ tuyến đập tạm là +1,00 m; đóng cừ 12m dài 90m, đoạn còn lại dài 30,42m giữ nguyên theo tuyến hiện trạng. Sau khi hoàn thành, tổng 2 tuyến đập tạm có chiều dài tổng thể là gần 300 m, giữ nguyên hiện trạng khoảng 30m để tạo dòng chảy.

 

 

Xuân Lam