Bến Tre: Tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi phòng chống hạn, mặn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:04, 18/09/2020
Hệ thống sông, rạch ở Bến Tre chằn chịt, thủy lợi chưa được khép kín nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn |
Thiệt hại nặng nề
Hiện nay, người dân tại Bến Tre vẫn còn ám ảnh về hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp diễn ra ngay từ cuối năm 2019 kéo dài đến tháng 6/2020. Xâm nhập mặn xuất hiện sớm, sâu, kéo dài, diễn biến bất thường, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống, ứng phó của chính quyền và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Khi đó, nước mặn 4‰ gần như bao phủ hết phạm vi toàn tỉnh Bến Tre. Trước tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu, UBND tỉnh Bến Tre phải quyết định ban bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.
Theo thống kê, xâm nhập mặn đã làm gần 28.000 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống, 168 ha hoa màu và trên 3.000 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.660 tỷ đồng. Nước mặn cũng tác động đến lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đô thị, du lịch, cấp nước sinh hoạt...
Thiệt hại nặng nề là do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh. Trong đó, Bến Tre có đặc thù về mặt địa lý là ba dải cù lao xung quanh bốn bề sông nước và kênh rạch chằn chịt nên hệ thống thủy lợi vẫn chưa khép kín, một số nơi trở thành “túi chứa nước mặn” trong mùa khô.
Tại huyện Thạnh Phú, mặc dù có hệ thống đê bao nhưng hàng năm nước mặn vẫn từ huyện Mỏ Cày Nam theo sông Cái Quao chảy ngược về huyện Thạnh Phú. Khi đó, một số vùng lại bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.
Công trình cống đập Ba Lai ngăn dòng sông Ba Lai - nơi tiếp giáp hai huyện Ba Tri và Bình Đại của tỉnh Bến Tre được hoàn thành từ năm 2002. Đây được xem là công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với kinh phí hơn 66 tỷ đồng vào thời điểm đó. Nhiệm vụ của dự án là ngăn mặn, trữ ngọt cho hơn 115.000 ha đất, trong đó hơn 88.000 ha đất sản xuất.
Sau 18 năm cống đập Ba Lai hoàn thành, bên cạnh những lợi ích giúp nhiều vùng được ngọt hóa thì một số nơi vẫn bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm mặn. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng này là hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh do còn “hở” ở phía thượng nguồn là kênh Chẹt Sậy (chảy từ phía sông Hàm Luông) và kênh Giao Hòa (phía sông Tiền) chảy ngược vào sông Ba Lai. Khi đó, vào mùa khô, nơi đây vô tình đã trở thành túi chứa nước mặn.
Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa được đầu tư khép kín. Do đó, hàng năm thường bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, mà đỉnh điểm là mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020 gây thiếu nước ngọt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Bến Tre tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín ngăn mặn, trữ ngọt |
Đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh này hiện có 477 km tuyến kênh trục và kênh cấp I; 2.238 km tuyến kênh cấp II và cấp III. Hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt có khoảng 148 cống có khẩu độ từ 2m trở lên và 1.906 cống có khẩu độ dưới 1,5m. Bên cạnh đó, đã xây dựng khoảng 650 km đê bao ven biển và ven song; bao gồm đê biển 83,6 km, đê sông 146,2 km, bờ bao 420,2 km.
Riêng về hệ thống kè, toàn tỉnh Bến Tre đã xây dựng được 5 tuyến kè; gồm: kè bảo vệ bờ sông Giao Hòa, kè bảo vệ bờ Bắc và Nam sông Bến Tre, kè bảo vệ khu vực bệnh viện Cù Lao Minh, kè bảo vệ khu tái định cư vùng sạt lở huyện Chợ Lách.
Ông Nguyễn Văn Điền – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay, tỉnh Bến Tre đang tập trung triển khai các dự án thủy lợi như: Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, dự án Nam Bến Tre giai đoạn 1, hoàn thiện đê biển Ba Tri, nâng cấp đê biển Bình Đại, dự án quản lý nước Bến Tre.
Ngoài ra, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre cũng vừa có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (huyện Ba Tri) có sức chứa 1,3 triệu m3, với mức vốn đầu tư trên 352 tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Điền, dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre (giai đoạn 1) đã được Trung ương quan tâm hỗ trợ và đã triển khai thi công xây dựng công trình và dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nhưng chưa được khép kín.
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã đầu tư, khắc phục tình trạng xâm nhập mặn trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT xem xét bố trí tiếp nguồn vốn để triển khai đầu tư tiếp tục các hạng mục còn lại.
Trong đó, nhất là việc gia cố hệ thống đê ven sông và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2); đồng thời, sớm triển khai thực hiện dự án quản lý nước Bến Tre (JICA3) đúng tiến độ.
Cùng với đó, tỉnh Bến Tre cũng đã kiến nghị về trên sớm triển khai nghiên cứu xây dựng các cống tại các cửa sông, rạch lớn cho khu vực Nam Bến Tre tại huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Thạnh Phú, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế xã hội.