Ứng phó với tình hình thiếu nước trên lưu vực sông Mê Công
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:57, 18/09/2020
Là quy chế có tính chất của một quy trình thực hiện, Thủ tục là quy trình thứ ba trong số 5 quy chế sử dụng nước của Ủy hội, sau các Thủ tục về Trao đổi và Chia sẻ Thông tin Số liệu và Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận, được phê duyệt từ năm 2003. Tuy nhiên, các nỗ lực đưa Thủ tục vào thực hiện đã gặp rất nhiều khó khăn do một mặt Ủy hội và các quốc gia thành viên thiếu một hệ thống quan trắc và định lượng các loại hình sử dụng nước, thậm chí là đánh giá ước tính một cách định tính và mặt khác là ý thúc và hiểu biết của các quốc gia về thủ tục này.
Ảnh minh họa |
Nhằm thúc đẩy thực hiện Thủ tục này, Ban Thư ký Ủy hội đã phối hợp với Tổ chức quản lý nước quốc tế (IWMI) nghiên cứu áp dụng phương pháp kiểm kê tài nguyên nước do IWMI phát triển cho Hạ lưu vực Mê Công. Phương pháp này được IWMI bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1990, sau đó phối hợp với Viện nghiên cứu thủy lợi quốc tế (Delf) của Hà Lan hoàn thiện cho cấp độ lưu vực sông vào năm 2013. Từ tính toán cân bằng nước theo Phương pháp kiểm kê tài nguyên nước, lượng nước hiện có, lượng nước đã được sử dụng, và lượng nước có thể tiếp tục sử dụng hoặc phân bổ sẽ được xác định nhằm phục vụ cho quá trình ra quyết định trong hoạch định về sử dụng tài nguyên nước trong tương lai.
Mới đây, một Hội thảo tham vấn vùng về Thực hiện Thủ tục giám sát sử dụng nước sử dụng Phương pháp kiểm kê tài nguyên nước do IWMI phát triển nêu trên đã được Ban Thư ký Uỷ hội sông Mê Công (BTK) tổ chức trực tuyến. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ban Thư ký Ủy hội và chuyên gia của IWMI.
Tại hội thảo, đại diện các quốc gia tham dự đã thảo luận về quy mô, phạm vi có thể áp dụng phương pháp; thời gian, kinh phí, địa điểm thực hiện pilot; và các hạn chế về sai số, yêu cầu số liệu đầu vào cũng như kiểm chứng độ tin cậy của kết quả tính toán. Đại diện các quốc gia cũng đề nghị BTK và nhóm chuyên gia bổ sung đánh giá thực hiện giám sát sử dụng nước do Ủy hội trong thời gian qua, rút ra các bài học kinh nghiệm; đánh giá ưu điểm và hạn chế của bộ mô hình toán của Ủy hội để làm cơ sở đánh giá khả năng kết với phương pháp kiểm kê tài nguyên nước của IWMI nhằm kế thừa những gì đã có và bổ sung những khiếm khuyết.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và nhóm chuyên gia của IWMI trong nghiên cứu áp dụng phương pháp hỗ trợ giám sát sử dụng nước trong hạ lưu vực Mê Công trong bối cảnh số liệu, thông tin về tình hình sử dụng nước thực tế của các quốc gia còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Ban Thư ký Ủy hội cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên trong thí điểm áp dụng phương pháp, phân tích làm rõ các ưu, nhược điểm, kiểm chứng kết quả, xây dựng báo cáo kiến nghị lên các cấp cao hơn để tiếp tục xem xét về khả năng áp dụng cho toàn hạ lưu vực Mê Công.
Số liệu nghiên cứu và tính toán của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho thấy, các đợt hạn hán trên lưu vực sông Mê Công đều gắn với các chu kỳ mưa ít, đặc biệt trong mùa khô các năm 2016 và 2020, do mưa ít nên nhu cầu sử dụng nước của các nước thượng lưu tăng mạnh và theo ước tính, lượng nước sử dụng vùng trung lưu trong mùa khô những năm gần đây gia tăng thêm từ 10-25% so với trước năm 2010, trong đó: Lào tăng khoảng 5-10%, Campuchia tăng khoảng 7-15%, Thái Lan tăng khoảng 20-50%. Cá biệt mùa khô năm 2020, theo ước tính vùng trung lưu lên tới khoảng 25%, trong đó: Lào tăng khoảng 10%, Campuchia tăng khoảng 15%, riêng của Thái Lan tăng lên tới khoảng 50%.
Tiếp theo hội thảo trên, các quốc gia thành viên Ủy hội sẽ tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia để thảo luận chi tiết hơn về Phương pháp kiểm kê tài nguyên nước. Trên cơ sở ý kiến của các quốc gia, Ban Thư ký Ủy hội và chuyên gia IWMI sẽ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế vào đầu năm 2021 để đưa vào áp dụng thử nghiệm.
Giám sát sử dụng nước trong lưu vực Mê Công là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Ngày 23 tháng 11 năm 2003, Hội đồng Ủy hội đã phê chuẩn Thủ tục Giám sát sử dụng nước, thiết lập một khung hợp tác giữa các quốc gia thành viên Ủy hội hỗ trợ theo dõi, giám sát sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực ở Hạ lưu vực Mê Công. Ngày 5 tháng 4 năm 2006, Ủy ban liên hợp của Ủy hội cũng đã thông qua Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Thủ tục này.
Trong hơn 15 năm vừa qua, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế cùng với Ban Thư ký Ủy hội đã nỗ lực thực hiện Thủ tục giám sát sử dụng nước thông qua các hoạt động thí điểm cho một số tiểu lưu vực, trong đó có tiểu lưu vực Sre Pok của Việt Nam, và đã xây dựng báo cáo đánh giá thực hiện Thủ tục giám sát sử dụng nước vào năm 2015 sau khi các hoạt động thí điểm đã hoàn thành. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình sử dụng nước trong hạ lưu vực Mê Công ngày một gia tăng, việc giám sát sử dụng nước trên toàn vùng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.