Ngành Dầu khí trước sóng gió của “khủng hoảng kép”
Kinh tế - Ngày đăng : 10:23, 18/09/2020
Bức tranh công nghiệp dầu khí thế giới trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết từ đầu năm 2020 đến nay. Cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến giá dầu lao dốc, tập đoàn dầu mỏ BP của Anh dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ suy thoái trong một thời gian dài và không còn muốn là một “tập đoàn dầu mỏ”, đã chọn cách bán tài sản trị giá 20 tỉ đô la, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò.
Saudi Aramco, “người khổng lồ” dầu mỏ của Arab Saudi mất 50% lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020. Aramco cũng đã đình chỉ thỏa thuận trị giá 10 tỉ USD nhằm mở rộng lĩnh vực lọc hóa dầu của Trung Quốc. Dường như tất cả các dự án chính của Aramco nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực của Arab Saudi đều đang bị xem xét hoặc bị đình chỉ hoàn toàn.
ExxonMobil - công ty dầu khí số 1 thế giới của Mỹ vừa bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones và đang phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách 48 tỉ USD vào năm 2021. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,4 tỉ USD, thấp hơn 20 tỉ USD so với kế hoạch chi tiêu và cổ tức. Công ty đã vay mới thêm 23 tỉ USD trong năm nay, tăng gấp đôi số nợ trong bảng cân đối tài sản. Dự báo, ExxonMobil sẽ lỗ khoảng 1,9 tỉ USD cả năm 2020, sau khi công bố lỗ 2 quý liên tiếp lần đầu tiên trong lịch sử.
Nhiều Công ty dầu khí Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng |
Nhiều công ty dầu khí Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và đang phải nỗ lực thanh toán các khoản nợ. Chesapeake Energy đang xin bảo hộ phá sản khi ký thỏa thuận với các chủ nợ về việc cung cấp một gói tín dụng cho vay mới. Whiting Petroleum đang đàm phán với các chủ nợ về việc xóa nợ 2,2 tỉ USD thông qua việc sở hữu 97% cổ phần công ty. Denbury Resources đang thuê công ty dịch vụ tư vấn tài chính Evercore nhằm quản lý khoản nợ trị giá 2,3 tỉ USD của mình. Equinor có kế hoạch sa thải 20% nhân sự tại Mỹ, Canada và Anh nhằm đảm bảo lợi nhuận trong điều kiện giá dầu thấp hiện nay. Ba công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu thế giới là Schlumberger, Halliburton, Baker Hughes đã chuyển công việc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư khoan sang chế độ làm việc từ xa.
Khâu lọc hóa dầu cũng ảm đạm không kém, hàng loạt các công ty như Marathon Petroleum, Phillips 66 và HollyFrontier đã buộc phải bán hoặc chuyển đổi các nhà máy lọc dầu thành kho chứa, terminal. Total (Pháp) và Eni (Italia) cũng bắt kịp xu hướng này và đã chuyển đổi 3 nhà máy trong vòng 5 năm qua. BP, Shell (Hà Lan) và Total cũng đã bán bớt 18 nhà máy lọc dầu và Shell gần đây tích cực thúc đẩy bán thêm 5/15 nhà máy còn lại của tập đoàn.
Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào các hoạt động dầu khí toàn cầu năm 2020 đã giảm 30%, xuống còn 328,4 tỉ USD. IEA cho biết, các công ty dầu khí buộc phải cắt giảm đầu tư của mình trong bối cảnh doanh thu sụt giảm hiện nay.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, hầu như không có đánh giá sáng sủa nào cho nền công nghiệp dầu khí thế giới, kể cả từ các tổ chức uy tín đến các chuyên gia kinh tế lạc quan nhất. Trung tuần tháng 9-2020, dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, kinh tế toàn cầu suy thoái, đình trệ; các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề. Petrovietnam là một doanh nghiệp hội nhập sâu rộng với quốc tế, không ngoại lệ, bị tác động toàn cục, lên toàn hệ thống.
8 tháng của năm 2020 đã đi qua trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực của Petrovietnam, nhưng Tập đoàn vẫn duy trì được tiến độ những hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, vượt 8,2% kế hoạch khai thác dầu khí, đạt lợi nhuận khả quan, đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 45.000 tỉ đồng, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược cho nền kinh tế.
Những con số khô khan này thực sự sẽ trở thành ấn tượng đặc biệt khi đặt vào bức tranh dầu khí toàn cầu, thị trường đang chịu áp lực cả về nhu cầu giảm và nguồn cung gia tăng.
Petrovietnam vững vàng vượt qua khó khăn
|
Petrovietnam trong lịch sử từng trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, thậm chí có những năm được gọi là “đen tối”, tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng giai đoạn này mới là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí, sóng gió ập đến từ nhiều phía. Nhưng đến nay, Petrovietnam vẫn kiên cường trụ vững. Là một doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế, được Đảng, Chính phủ và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, giao nhiều trọng trách, Petrovietnam và những người lao động Dầu khí có truyền thống dấn thân cống hiến, được trui rèn trong khắc nghiệt và rủi ro, không dễ dàng, song vẫn từng bước, từng bước vượt qua khó khăn, bão tố, luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Người ta thường lấy hình tượng chèo lái con tàu vượt sóng gió trên biển để làm bài học cho những nỗ lực vượt khó. Thuyền trưởng và đội ngũ những người điều khiển tàu ngoài sức chịu đựng dẻo dai, kinh nghiệm chống chọi với sóng gió còn phải có cơ mưu, quyền biến mới có thể vượt qua bão tố. Nương theo ngọn sóng, điều động chuyển hướng, thay đổi tốc độ… là những hành động cần phải thực hiện kịp thời, quyết liệt.
Nếu ví Petrovietnam như một con tàu, sẽ không khó để nhận thấy trên tàu là một đội ngũ có bản lĩnh, căn cơ vững vàng trên hải trình đầy giông tố vừa qua.
Nỗ lực tạo nên và giữ gìn sự gắn kết đội ngũ, sức sống của Tập đoàn bằng các phương pháp tiếp cận hiện đại, cập nhật kỹ năng, kinh nghiệm tiên tiến, tập thể các nhà quản trị - lãnh đạo Tập đoàn - đã nhận dạng tình trạng của mình, làm rõ các vấn đề mình đang phải đối mặt, cùng nhau chia sẻ các hiểu biết và kinh nghiệm, cảnh báo nhau về các nguy cơ, động viên nhau vượt qua thách thức và qua đó xây dựng sự hợp tác tin cậy, sự phối hợp hài hòa, đồng sức chung lòng vì sự ổn định và phát triển Petrovietnam.
Tin rằng, các mục tiêu kế hoạch 2020 sẽ được Petrovietnam thực hiện như kỳ vọng trong những tháng còn lại của năm bởi kịch bản điều hành, các gói giải pháp đều đã được chuẩn bị chu đáo, lượng định cẩn trọng, phù hợp với các nguồn lực sẵn sàng ứng phó với “khủng hoảng kép”.
Trong 8 nhóm giải pháp Petrovietnam đưa ra trong bối cảnh hiện nay, đáng lưu ý là hai nhóm giải pháp đang được triển khai thực hiện chủ động, đồng bộ và quyết liệt: Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát hệ thống văn bản, quy chế quản lý nội bộ, thực hiện số hóa, rà soát và nâng cao công tác quản trị rủi ro; phát huy các giải pháp công nghệ để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, xem xét tiết giảm/dừng giãn thanh toán/lùi thời gian thực hiện các chi phí sản xuất kinh doanh chưa cấp bách nhằm giảm giá thành sản phẩm về mức tối ưu.
Tại buổi làm việc với Petrovietnam ngày 10-9 vừa qua, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã nhấn mạnh, Petrovietnam có sứ mệnh “góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường”. Petrovietnam là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Đến nay, Petrovietnam tự hào đã có thương hiệu lớn trong nước và quốc tế, với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước.
Ghi nhận Tập đoàn đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đạt được những kết quả to lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động Petrovietnam và khẳng định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 cần có sự đóng góp rất lớn của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của Petrovietnam.