Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020: Doanh nghiệp tiên phong chống rác thải nhựa
Môi trường - Ngày đăng : 11:07, 17/09/2020
Khi doanh nghiệp là phần quan trọng của giải pháp
Mỗi năm, theo thống kê của Bộ TN&MT, tại Việt Nam có hơn 20.000 sản phẩm nhựa trong sản xuất và tiêu dùng. Trong tổng số nhựa sản xuất, chỉ có 9% chất thải được tái chế, 12% tiêu hủy, gây lo ngại cho môi trường, 80% tích lũy trong bãi rác, tự nhiên. Một nửa số nhựa được sản xuất chỉ dùng một lần và sau đó vứt bỏ.
Riêng tại Hà Nội, đại diện Sở Công Thương cho hay, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa. Trong đó, nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Các cơ sở này sử dụng nhựa để bao gói trong sản xuất thực phẩm.
Các doanh nghiệp đồng lòng tham gia, cam kết loại bỏ dần các sản phẩm nhựa gây nguy hại môi trường. |
Ngoài ra, thành phố có 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây của 12 quận... Với số lượng đông đảo vậy nhưng trong những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng đều sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy. Tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân hủy được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ vẫn đang phổ biến.
Ảnh hưởng to lớn của các sản phẩm nhựa dùng một lần đến sức khỏe con người và môi trường sống vốn không còn là câu chuyện mới. Thế nhưng, để hạn chế rác thải nhựa, không chỉ phụ thuộc vào nhận thức và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Phía còn lại, thuộc về doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất có trách nhiệm thu gom, tái chế, vận động người dân tiêu dùng thông minh. Lúc này, doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề, mà có thể trở thành phần quan trọng của giải pháp.
Các doanh nghiệp liên minh chống rác nhựa
Ngay trong Lễ ra quân Toàn quốc chống rác thải nhựa tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định chứng nhận sự ra đời của Liên minh Các doanh nghiệp chống rác thải nhựa. Đây là tổ chức các doanh nghiệp đồng lòng tham gia, cam kết loại bỏ dần các sản phẩm nhựa gây nguy hại môi trường; dần tiến đến xây dựng chuỗi sản phẩm xanh sạch, thân thiện với môi trường.
Đi đầu trong cam kết này có Vietnam Airlines. Vietnam Airlines đã thay thế các vật phẩm dùng trên máy bay cho khách từ nhựa chuyển sang giấy, ni lông làm bằng bột mì bột ngô. Công ty CP quốc tế Thịnh Đạt (chuyên sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ, quà tặng... trên toàn quốc) đã chuyển từ sản xuất ống hút nhựa sang ống hút tre, ống hút inox; từ những chiếc túi làm bằng nhựa chuyển sang túi làm bằng giấy, bằng bột mì... Cùng với đó, chuỗi cửa hàng thuộc siêu thị Co.op mart toàn quốc đã thay thế bao bì túi ni lông bằng lá chuối, lá bàng...
Với tham vọng “đãi vàng từ rác”, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì ở Việt Nam, gồm Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak, TH Group và Universal Robina Corporation, đã ký kết thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Sau hơn 1 năm hoạt động, với 13 thành viên, PRO Vietnam đã chung tay xây dựng chuỗi tái chế, phân loại rác, cũng như làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.
Mô hình này tái tạo toàn bộ vòng đời của bảo bì sản phẩm, từ cách thiết kế, chế tạo bao bì từ vật liệu tái chế; các giải pháp thu gom, tái chế, tái sử dụng bao bì... Các thành viên cùng góp sức để tăng số điểm thu gom phế liệu, đảm bảo xử lý toàn bộ bao bì đã tiêu thụ, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ví dụ, công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức chương trình "Cùng Fristi bảo vệ môi trường" vào tháng 5 - 12/2019 tại 120 trường học thuộc tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hưng Yên; thu gom 460.000 vỏ hộp sữa. Công ty Tetra Pak tổ chức 1.400 hội thảo cho 800.000 học sinh, giáo viên tại Hà Nội và TP.HCM về tái chế hộp giấy; tổ chức Ngày hội Sống xanh, người dân mang vỏ hộp sữa đổi cây xanh.
Với Suntory PepsiCo Việt Nam, chương trình Mizuiku giúp đơn vị phổ biến kiến thức tái chế, phân loại rác cho 6.500 học sinh tại 15 trường tiểu học ở các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam và Lạng Sơn.
Theo Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành: Cần tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Chuỗi chương trình về thay đổi nhận thức bao bì dùng 1 lần cũng được các đơn vị như Nutifood, Saigon Co.op, Nestlé Việt Nam... đẩy mạnh triển khai. Riêng hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã loại bỏ túi ni lông, thay bằng túi nhựa phân hủy sinh học và 243.000 túi môi trường.
Bên cạnh đó, liên minh PRO Việt Nam còn cải tiến bao bì nhựa. Nhãn hàng Milo sản xuất loại bao bì với thông điệp tái chế từ tháng 2.Suntory PepsiCo Việt Nam bỏ màng co ở nắp chai Aquafina, giúp tiết kiệm 140 tấn nhựa thải ra môi trường mỗi năm.
Theo PRO Việt Nam, chuỗi hoạt động đã thúc đẩy văn hóa tái chế tại các doanh nghiệp, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, nhất là thế hệ trẻ, cùng chung tay tạo những sáng kiến xây dựng một Việt Nam xanh, sạch, đẹp. Đơn vị đặt tham vọng, đến năm 2030, tất cả bao bì đóng gói của các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.