Thừa Thiên Huế: Sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 5
Môi trường - Ngày đăng : 21:21, 16/09/2020
Kêu gọi tàu thuyền vào bờ
Dự báo ngày 18/9, bão số 5 sẽ đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13...
Để chủ động ứng phó với cơn bão mạnh, các ngành chức năng Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Tàu thuyền tại Thừa Thiên Huế đang vào tránh bão |
Cụ thể, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thông báo cho 176 phương tiện/1.350 lao động trên địa bàn đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Toàn tỉnh có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển. Trong đó, có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo, 35.000 thùng nước đóng chai, 2,2 triệu lít xăng, 2,3 triệu lít dầu diezen, 30 ngàn lít dầu hỏa, 70 tấn tôn lợp, 2,5 tấn đinh vít, 2,5 tấn dây thép. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Cảng cá tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; Chi cục Thuỷ sản tỉnh phối hợp BĐBP tỉnh, UBND các huyện, xã vùng đầm phá ven biển của tỉnh kiểm tra tàu thuyền, quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, neo đậu, phối hợp khai thác hệ thống thông tin Duyên hải Huế đảm bảo thông tin liên lạc giữa đất liền và ngoài khơi.
Ngư dân khẩn trương di chuyển tàu thuyền |
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 9 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo và vận hành hồ đập; đầu tư hệ thống camera theo dõi xả lũ qua các cống, đập về hạ du và truyền hình ảnh về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa nhất là trong thời kỳ mưa lũ; các hồ chứa lớn khác cũng đang có kế hoạch lắp đặt trong thời gian tới. Hiện mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn đang ở mức thấp và đảm bảo an toàn, sẵn sàng, chuẩn bị đón lũ.
Sẵn sàng chống bão
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, theo dự báo cho đến thời điểm hiện tại, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền trưa 18/9. Tuy nhiên, chiều 17/9 trên đất liền đã có mưa lớn và biển có sóng to.
“Đây là cơn bão lớn, đầu tiên trong năm, các địa phương phải tập trung, không được chủ quan, lơ là. Do vậy, ở tuyến biển đến trưa 17/9 phải chuẩn bị xong việc neo đậu, kêu gọi tàu thuyền và chằng chống nhà cửa giúp dân. Ở khu vực hồ đập phải dự phòng máy nổ và các phương án phụ, không để xảy ra tình huống bị động khi mất điện. Chính quyền địa phương cần duy trì chế độ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền diễn biến bão số 5 đến người dân”, ông Phương nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến làm việc với Thừa Thiên Huế về việc ứng phó với bão số 5 |
Làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình triển khai công tác ứng phó bão số 5 trong chiều 16/9, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đánh giá cao công tác chủ động ứng phó của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đối với bão số 5.
Theo ông Tiến, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương rủi ro thiên tai cấp độ 4, việc tỉnh có những giải pháp sớm chủ động ứng phó mưa bão là một trong những yếu tố tiên quyết trong phát huy hiệu quả phòng chống thiên tai. Đối với cơn bão lần này, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh không được chủ quan, thực hiện nghiêm túc công điện số 11 ngày 16/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
“Về tuyến biển địa phương phải tập trung kêu gọi kiểm đếm tàu thuyền bao gồm xa bờ và gần bờ; kiểm tra đánh giá công tác bảo đảm an toàn khu vực neo đậu, tránh trú tàu thuyền, thống nhất giao Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hướng dẫn kiểm tra, cụ thể tại khu neo đậu; đối với tuyến ven bờ phải kiểm tra phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản có giải pháp neo đậu, có thể thu hoạch sớm gần 6.000 lồng bè; giám sát cụ thể số lượng các hộ dân trên các khu nuôi lồng bè, vùng sạt trượt và có phương án sơ tán dân trước khi bão đổ bộ; trên đất liền đề nghị ngay bây giờ, các địa phương triển khai ngay việc chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 5”, ông Tiến đề nghị.