Hậu Giang: Tăng cường công tác tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:02, 16/09/2020

(TN&MT) - Hậu Giang là một trong những địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều tổn thương do tác động của các loại hình thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Tình trạng sạt lở đất bờ sông diễn ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang, trong năm 2019, do ảnh hưởng của thiên tai, BĐKH đã làm sập, tốc mái gần 220 căn nhà; hàng chục ha lúa của người dân ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A bị thiệt hại do ngã đổ; đồng thời, sạt lở bờ sông xảy ra tại 46 điểm làm mất trên 5.600m2 đất, ước tổng thiệt hại do thiên tai, BĐKH gây ra năm 2019 khoảng 5 tỉ đồng.

Còn từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra tổng cộng 45 điểm sạt lở bờ sông, trong đó nhiều nhất là tại huyện Châu Thành với 39 điểm; đồng thời, dông lốc đã làm sập và tốc mái 309 căn nhà, trong đó có 64 căn bị sập hoàn toàn, ước tổng thiệt hại hơn 4,4 tỉ đồng.

Thông tin với Phóng viên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang là địa phương dễ bị tổn thương do tác động của nhiều loại hình thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở, dông lốc. Để chủ động ứng phó, trong thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo các văn bản chỉ đạo của Trung trương về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy tu, sửa chữa, nạo vét các công tình thuỷ lợi đã xuống cấp nhằm ngăn mặn, trữ ngọt; quyết không cho mặn xâm nhập vào nội đồng; thường xuyên vận hành các công trình thuỷ lợi, đặc biệt đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh; Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No.

Cạnh đó, các Sở ngành chức năng, UBND huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp, nhất là ở các vùng có khả năng hạn hán, xâm nhập mặn cao để thích nghi theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Đề cập đến công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên cho rằng, công tác tuyên truyền được xem là giải pháp gốc được các ngành, các cấp tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện. Qua đó, giúp người dân nắm bắt kịp thời về diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở, giông lốc để chủ động ứng phó; đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường đầu tư hệ thống các trạm quan trắc, áp dụng công nghệ 4.0 phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi diễn khí tượng thủy văn.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2025, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 1884 về việc triển khai công tác truyền thông phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với BĐKH từ cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Theo Kế hoạch này, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn cho người dân về các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó BĐKH; phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của toàn dân; thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, khắc phục sạt lở bờ sông, khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụp lún...

Lê Hùng