Tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của An ninh nguồn nước và An toàn hồ đập

Trong nước - Ngày đăng : 16:55, 16/09/2020

(TN&MT) - Tiếp tục phiên họp thứ 48, trong sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo Kết quả giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh Quốc hội

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, Báo cáo tập trung đề cập tới hiện trạng an ninh nguồn nước (ANNN) và An toàn hồ đập (ATHĐ), nêu ra những tồn tại, hạn chế và đưa ra những kiến nghị, đề xuất.

8 thách thức đối với an ninh nguồn nước

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, an ninh nguồn nước là một cách tiếp cận quản lý nước được các quốc gia trên thế giới thực hiện gồm 4 thành tố chính: Bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái nước ngọt bền vững; Bảo đảm nhu cầu nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất; Mọi người dân được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; Người dân được bảo vệ trước rủi ro liên quan đến nước.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng đã tiếp cận đầy đủ 4 yếu tố này trong pháp luật về tài nguyên nước; thủy lợi; phòng, chống thiên tai (PCTT); đê điều; lâm nghiệp; điện lực; khí tượng thủy văn…

Dựa trên điều kiện tự nhiên hiện nay của Việt Nam, Ủy ban KH,CN&MT nhận định, “về cơ bản, trữ lượng nguồn nước của nước ta bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.”

Tuy nhiên, báo cáo cũng đề cập đến việc trữ lượng nước đang bị tác động bởi các yếu tố như: Lượng nước biến động lớn theo mùa, theo vùng, lưu lượng dòng chảy thay đổi nhiều trong năm, biên độ dao động lớn giữa các mùa; lượng nước trên các sông, suối đang có xu hướng giảm mạnh do tác động của BĐKH và nước biển dâng. Trữ lượng nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài; Mức tích nước của nhiều hồ chứa còn thấp so với thiết kế; Do các tác động khai thác, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh Quốc hội

Về chất lượng nguồn nước, theo báo cáo của Bộ TN&MT, chất lượng nước mặt tại khu vực đầu nguồn tương đối tốt. Tuy nhiên, một số lưu vực sông đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, nhiều đoạn sông chất lượng nước ở mức kém và rất kém như lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Đối với nước ngầm, từ năm 1990 trở lại đây, nguồn nước ngầm bị suy thoái cả về chất lượng và số lượng. Việc khai thác quá mức, tập trung ở một số khu vực như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho mực nước ngầm hạ thấp. Gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng nên kéo theo hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông gây ô nhiễm nguồn nước ngọt của các địa phương.

Trước thực trạng sử dụng nguồn nước cho khai thác, sử dụng nước cho sản xuất, sinh hoạt; chuyển nước lưu vực sông, điều tiết, điều hòa và phân phối nước; ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Uỷ ban KH,CN&MT chỉ ra 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước: Thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; Tác động của BĐKH, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất.

Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt ngày càng gia tăng, có nơi đến mức báo động; ô nhiễm do xâm mặn xảy ra ở nhiều địa phương, mức độ gia tăng; 

Nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế ảnh hưởng lớn đến tính chủ động trong tích trữ, điều tiết nước cho các ngành kinh tế;

Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn chưa cao, đặc biệt ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn;

Vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông, chuyển nước giữa các lưu vực sông gây khó khăn trong công tác điều tiết, vận hành; 

Hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác CTTL còn chưa đáp ứng yêu cầu, thất thoát nước còn lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%).

"Bảo đảm nguồn lực để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về ANNN cho trước mắt và 20 – 30 năm tới thì cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ đầu tư NSNN cũng như cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực này thì mới từng bước đáp ứng các nhiệm vụ đặt ta của ANNN và ATHĐ." - Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Nhiều tồn tại, bất cập đối với quản lý ATHĐ

An ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia. Theo báo cáo, cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3; trong đó, có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ m3.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra giám sát, Ủy ban KH,CN&MT đã chỉ ra những thực trạng an toàn hồ, đập: Đối với các hồ chứa nước lớn và vừa thì chất lượng công trình cơ bản được bảo đảm; đối với hồ chứa nhỏ chất lượng xây dựng còn hạn chế. Mặc dù được Chính phủ và các địa phương quan tâm, bố trí đầu tư gần 16.000 tỷ đồng nên đã sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do số lượng đập, hồ chứa hư hỏng nhiều nên cần một nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, duy trì.

Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách; 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình; nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ. Do vậy, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt dù Luật Thủy lợi và Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý ATHĐ quy định nguyên tắc ATHĐ là ưu tiên cao nhất trong xây dựng, vận hành, quản lý khai thác và các cơ quan chức năng, chủ hồ, đập nỗ lực thực hiện nhưng từ năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa.  

Về phân giao quản lý hồ đập: Hiện vẫn còn nhiều hồ, đập thủy lợi đang được giao cho cơ quan QLNN  quản lý, đang trong quá trình chuyển giao chủ quản lý khai thác (doanh nghiệp) theo quy định của Luật Thủy lợi. Cả nước vẫn còn 187 hồ chứa thủy lợi lớn đang giao cho các đơn vị thuộc UBND cấp huyện, xã khai thác;  4.380 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ hiện vẫn giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý.

Do không có cán bộ chuyên môn nên không phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng; một số đơn vị khai thác đập, hồ chứa còn chưa quan tâm đúng mức đến việc vận hành thử các thiết bị cơ khí vận hành tràn xả lũ dẫn đến sự cố kẹt cửa van khi cần vận hành xả lũ nên nguy cơ mất an toàn cao.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, việc thực thi quy định pháp luật về quản lý ATHĐ còn nhiều hạn chế. Qua thanh tra, kiểm tra, số đập, hồ chứa đăng ký an toàn đập là 66% tổng số hồ đập; được kiểm định an toàn là 4%; được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du là 4%; được lập quy trình vận hành là 4%; được lập phương án bảo vệ 15%; được lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp chiếm 16%. Đối với ATHĐ thủy điện thì theo Bộ Công thương 100% công trình được đánh giá tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn.

Đưa ANNN&ATHĐ vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thống nhất rằng: Để có định hướng chiến lược, tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của ANNN và ATHĐ, đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung ANNN&ATHĐ vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng để định hướng chỉ đạo, giải pháp tổng thể và nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. Ảnh Quốc hội

Đồng thời, xem xét ban hành Nghị quyết về ANNN và ATHĐ tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) làm cơ sở cho việc thực hiện vấn đề rất quan trọng, cấp thiết này và chỉ đạo Chính phủ xây dựng lộ trình thực hiện.

Bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho hồ, đập để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; xem xét đưa vào kế hoạch 5 năm 2021-2025 những mục tiêu cấp bách; bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để đảm bảo ANNN&ATHĐ với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.

Nghiên cứu, sửa đổi chồng chéo, bất cập về quản lý ATHĐ giữa Luật TNN và Luật Thủy lợi; bổ sung nội dung về quản lý đập, hồ chứa thuỷ điện vào Luật Điện lực để việc quản lý được thống nhất.

Khương Trung