Cơ cấu điện hợp lý gắn với bảo vệ môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:10, 16/09/2020

(TN&MT) - Cần cơ cấu hợp lý điện gió, điện than, điện mặt trời, điện sinh khối… gắn với bảo vệ môi trường, kiết quyết không để thiếu điện.

Điều này được Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh tại chương trình phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (16/9).

Các dự án điện đối mặt thách thức về xử lý môi trường

Báo cáo kết quả Phiên giải trình Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nguồn điện giai đoạn 2011 - 2019 có sự tăng trưởng mạnh; tổng công suất lắp đặt nguồn điện tăng hơn 2,6 lần. Cơ cấu nguồn theo chủ sở hữu khá đa dạng, ngoài EVN còn có sự tham gia của PVN, TKV và các nhà đầu tư tư nhân. Hệ thống lưới điện được đầu tư khá lớn với nhiều cấp điện áp. 

Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, chỉ trong vòng 5 năm (2013-2018) từ vị trí 156/189 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2013 vươn lên vị trí 27/190 vào năm 2018. Đặc biệt, đã đa dạng hóa các hình thức điện nhập khẩu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng, việc xây dựng, ban hành chính sách chưa đồng bộ với quy hoạch, điển hình là các dự án điện mặt trời, trong nhiều năm không phát triển nhưng khi có chính sách giá khuyến khích năng lượng tái tạo thì chỉ trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, vượt xa quy hoạch.

“Chính sách còn chưa rõ ràng, chưa ổn định để thu hút nhà đầu tư theo vùng, miền, tạo sự cân bằng trong hệ thống nguồn, lưới điện; chưa khuyến khích được việc đầu tư các dự án áp dụng khoa học, công nghệ cao, ít tiêu tốn điện năng”, ông Thanh nêu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quy hoạch phát triển điện xác định rõ quy mô, thời điểm vận hành và nhà đầu tư các công trình điện lực đã hạn chế thực hiện nguyên tắc thị trường trong lựa chọn nhà đầu tư, làm giảm tính linh hoạt trong triển khai.

Trong khi đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện, đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Việc không tuân thủ nghiêm túc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cũng làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện.

Hơn nữa, Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu nhiên liệu phục vụ sản xuất điện. Bởi nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế, dư địa để phát triển thủy điện không còn nhiều. Nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện dự kiến tăng từ 20 triệu tấn năm 2020 lên tới khoảng 72 triệu tấn năm 2030; lượng khí nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn vào năm 2030.

Đặc biệt, việc bảo vệ môi trường vẫn đặt ra nhiều thách thức lớn. “Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với các thách thức về xử lý môi trường đối với các dự án điện, nhất là việc xử lý lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than; xử lý các tấm pin mặt trời khi hết thời hạn sử dụng”, ông Thanh chỉ rõ.

Tăng cường công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng

Trước tình hình đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần chính sách đầu tư cần hướng đến thu hút nhà đầu tư theo vùng, miền, tạo sự hài hòa trong cơ cấu nguồn điện, lưới điện các vùng, miền trên cả nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành điện, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và một số ngành khác.

Quang cảnh phiên làm việc

Khẩn trương tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng, bảo đảm có tầm nhìn, kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý; có sự kết nối đồng bộ với các quy hoạch khác. Nâng cao chất lượng các dữ liệu tính toán để lập quy hoạch, bảo đảm sát thực tế; có tiêu chí rõ ràng cho việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để bảo đảm tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với các nguồn điện, huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có. Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối.

Lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường đối với các dự án điện, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, phải tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác hại môi trường. Khẩn trương nghiên cứu các giải pháp xử lý đối với các tấm pin mặt trời, ắc quy tích điện khi hết thời hạn sử dụng để bảo đảm an toàn với môi trường.

“Có giải pháp phù hợp xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than để hạn chế tác động đến môi trường, cũng như có thể tận dụng để phát huy hiệu quả khi sử dụng làm vật liệu xây dựng trong một số công trình”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị

Tuyết Chinh