Việt Nam đang đi đúng lộ trình bảo vệ tầng ô-dôn

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:06, 16/09/2020

(TN&MT) - Việt Nam sẽ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo cam kết trong giai đoạn 2020-2025 và sẽ ban hành chính sách cấm sản xuất và nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng sử dụng môi chất lạnh gây thủng tầng ô-dôn. Thông tin trên được chia sẻ tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 16/9, diễn ra tại Hà Nội.

Thông điệp năm nay “35 năm công ước Viên: Hành trình bảo vệ tầng ô-dôn vì sự sống” có ý nghĩa nhắc nhở cộng đồng về tầm quan trọng của tầng ô-dôn đối với sự sống trên Trái đất và phải tiếp tục bảo vệ “tấm lá chắn” này cho các thế hệ tương lai.

Tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 16/9

Tham gia tọa đàm có bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn kiêm Điều phối viên ô-dôn quốc gia (Cục Biến đổi khí hậu); bà Lý Thị Phương Trang, Tổng giám đốc DAIKIN Việt Nam - Công ty đã chuyển đổi công nghệ sản xuất điều hòa không khí sử dụng gas lạnh không làm suy giảm tầng ô-dôn và tiết kiệm năng lượng; và bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Tập đoàn Nagakawa - Doanh nghiệp tham gia dự án chuyển đổi công nghệ thuộc dự án Kế hoạch loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (HPMP II).

Chia sẻ về tầm quan trọng của tầng ô-dôn, bà Nguyễn Đặng Thu Cúc cho biết, tầng ô-dôn là “tấm lá chắn” giúp hấp thụ bớt những tia bức xạ từ mặt trời. Nhờ đó, con người và các sinh vật trên Trái đất tránh được những bệnh đối với sức khỏe như ung thư da, đục thủy tinh thể; cũng như giúp ngăn cản những tác động xấu đến đa dạng sinh học và bảo vệ sự đa dạng sinh thái.

Nhận thức được tầm quan trọng của tầng ô - dôn, Việt Nam đã bắt tay với quốc tế, chính thức phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô - dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô dôn từ năm 1994. Từ đó đến nay là 26 năm Việt Nam tham gia và thực hiện nghĩa vụ của mình.

Một trong những yêu cầu chính yếu khi tham gia hai công ước, nghị định thư này là chúng ta có nghĩa vụ quản lý và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô - dôn.

Đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt những cam kết. Ví dụ như Việt Nam đã hoàn toàn loại trừ được những chất như CFC, CTC, Halon … và đưa vào quản lý các chất gây suy giảm tầng ô - dôn khác như Methyl Bomide và HCFC.

Trong lĩnh vực về quản lý các chất làm suy giảm tầng ô - dôn, hiện đã có những chất thay thế mới thay cho HFC. Trước đây, HFC được sử dụng thay thế các chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhưng lại là chất có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính cao, có thể làm tăng nhiệt độ Trái đất và là tác nhân gây biến đổi khí hậu. Do vậy, chất này đang ở trong lộ trình các nước phải quản lý theo Bản sửa đổi bổ sung Kigali trong khuôn khổ Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và tham gia tbản sửa đổi bổ sung Kigali từ tháng 9/2019 và sẽ xúc tiến triển khai các hoạt động trong thời gian tới.

Các tuyến phố treo băng-rôn tuyên truyền về Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn

Đại diện hai doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí tham gia tọa đàm đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi sang công nghệ bảo vệ tầng ô-dôn. Khó khăn chủ yếu liên quan đến việc phải đầu tư rất nhiều hệ thống máy móc liên quan sao cho phù hợp. Quá trình chuyển giao cần tập trung cho công tác đào tạo, hướng dẫn cho hệ thống kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ lắp đặt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang có thói quen sử dụng các sản phẩm truyền thống với giá phổ thông thì khi chuyển sang sản phẩm mới giá sẽ bị biến động, kỹ thuật mới, cách sử dụng mới. Tất cả những điều này cũng là rào cản đối với người tiêu dùng cuối cùng.

Theo cam kết với Ban Chấp hành Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Việt Nam cần ban hành chính sách cấm sản xuất và nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng sử dụng môi chất lạnh HCFC-22 và cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol vào năm 2022. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh và xốp cách nhiệt có đủ điều kiện tham gia Dự án HPMP II, liên hệ với Ban Quản lý dự án HPMP II, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham gia và nhận hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, loại trừ HCFC-22 và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol.

Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cần xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC, nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045. Để thực hiện cam kết này, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia hỗ trợ của các đối tác quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.

Bên cạnh tọa đàm hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô - dôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như treo băng rôn trên các tuyến phố, phổ biến tờ rơi nhằm nâng cao nhận thức về quản lý các chất HCFC, HFC tại Việt Nam; các hoạt động tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô - dôn, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao. Qua đó, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ tầng ô-dôn, bảo vệ Trái đất, bảo vệ sự sống.

 

Khánh Ly