Cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Trong nước - Ngày đăng : 10:03, 16/09/2020
Hơn 334 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 101 nghìn người
Tờ trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ nêu rõ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người; còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.
Phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: quochoi.vn |
Hơn nữa, trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp…
Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết trên 101 nghìn người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336 nghìn người, trong đó hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời.
Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém.
Do đó, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Đồng thời, việc tách bạch phạm vi điều chỉnh, tách bạch nội dung của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thực sự cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, Thường trực Uỷ ban QPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị cho bổ sung dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (cùng với thời điểm trình dự án Luật GTĐB (sửa đổi)).
Đảm bảo quan hệ hài hoà với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban QPAN Võ Quốc Việt, có ý kiến đề nghị phân định rõ ràng hơn nữa về phạm vi, nội dung điều chỉnh giữa dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ với dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), nhất là các quy định về hệ thống báo hiệu GTĐB, phương tiện tham gia GTĐB, tổ chức an toàn GTĐB.
Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện như quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an; lược bỏ thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Thanh tra Giao thông.
“Cần tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và tránh nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách”, Cơ quan thẩm tra yêu cầu.