Quảng Bình: Triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:23, 16/09/2020
Ngày 15/9/2020, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Công văn số 1663/UBND-KT triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.
Quảng Bình là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. |
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, theo chức năng nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; các Kế hoạch, Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh về triển khai công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020...
Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã quán triệt thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; rà soát cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất; tổng kiểm tra khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập thuộc phạm vi quản lý, phương án, nguồn lực đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng; chủ động bố trí ngân sách địa phương kịp thời khắc phục ngay sự cố hư hỏng, xử lý trọng điểm xung yếu đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập; chỉ đạo, giám sát vận hành an toàn hồ đập thuộc thẩm quyền quản lý, tuyệt đối không cho tích nước đối với hồ chứa không đảm bảo an toàn; hỗ trợ trang bị và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà thăm người dân vùng lũ tại TX. Ba Đồn trong năm 2019. |
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh kiểm tra, rà soát, tham mưu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cập nhật kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó thiên tai của tỉnh để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn, lụt dài ngày, bão mạnh, siêu bão, lũ quét sạt lở đất; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai của các địa phương, nhất là kiểm tra thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều; đặc biệt quan tâm an toàn công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu; kiểm tra các tổ chức quản lý công trình trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Sở Công Thương rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với công trình thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là hồ chứa thủy điện; chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu sẵn sàng ứng phó với tình huống sự cố, thiên tai có thể xảy ra. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh... rà soát phương án cứu hộ cứu nạn; phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai, lũ lớn, ngập lụt diện rộng; phương án bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, kịp thời tiếp cận xử lý, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị khác theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai, thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.