Công tác địa vật lý góp phần phát triển hạ tầng ven biển

Biển đảo - Ngày đăng : 11:40, 15/09/2020

(TN&MT) - Việc điều tra, đánh giá một cách hệ thống đặc điểm địa chất, địa chất công trình dải ven bờ biển là yêu cầu của thực tiễn và có tính cấp bách làm cơ sở để quy hoạch phát triển xây dựng nhằm góp phần phát huy được hết các thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng dọc theo dải ven bờ biển Việt Nam.

Đó là ý kiến của ông Lại Mạnh Giàu - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về tầm quan trọng của công tác địa vật lý trong việc thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam” (Dự án 47-ĐCCT).

Cung cấp chi tiết đặc điểm địa chất các lớp trầm tích

Trong dự án 47 - ĐCCT, Liên đoàn Vật lý Địa chất có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu về đo địa chấn nông phân giải cao vùng biển ven bờ 0 - 20 m nước; đo địa chấn khúc xạ, đo sâu điện trở và đo địa chấn dọc thành lỗ khoan.

Đánh giá cao vai trò của phương pháp địa vật lý trong Dự án 47-ĐCCT, ông Lại Mạnh Giàu cho hay, mục tiêu của phương pháp đo địa vật lý là cung cấp chi tiết đặc điểm địa chất các lớp trầm tích phân bố tầng nông, cung cấp các tham số địa chất công trình phục vụ xây dựng hệ thống công trình biển và dân sinh, phát triển kinh tế của vùng nghiên cứu.

Với khả năng phân chia chi tiết các mặt cắt địa chất từ đáy biển đến độ sâu 100 - 200 m dựa trên các mặt phản xạ của phương pháp địa chấn nông phân giải cao kết hợp với phương pháp địa chấn khúc xạ, đo sâu điện trở, địa chấn lỗ khoan thi công trên đất liền cho phép thiết lập bức tranh chi tiết về lát cắt địa chất cùng với các thông số địa chất công trình phục vụ hữu hiệu cho công tác lập bản đồ địa chất công trình.

Theo Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất, các phương pháp địa chấn, phối hợp với các phương pháp địa vật lý khác như thăm dò điện, thăm dò từ đã bổ sung những thông tin quan trọng về kiến tạo, về magma, về chiều sâu của tầng đá cứng. Các phương pháp này cũng đã phục vụ hữu hiệu cho công tác nghiên cứu nền móng các công trình dọc ven bờ biển nước ta, như: công trình cáp treo Hòn Tre, cảng nước sâu nam Đồ Sơn, công trình cảng Dung Quất – Quảng Ngãi, nền móng công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, các công trình nạo vét luồng lạch dưới biển, sông, cầu cảng…

Công tác địa vật lý góp phần phát triển hạ tầng ven biển Việt Nam

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các phương pháp địa vật lý đã thực hiện có hiệu quả tại các khu vực ven biển thời gian qua, dự án dự kiến lựa chọn các phương pháp đo địa vật lý sau: đo địa chấn nông phân giải cao: tiến hành đo ở đới biển ven bờ; địa chấn khúc xạ: đo ở dải đất liền ven biển; đo sâu điện trở: đo ở dải đất liền ven biển; đo địa chấn lỗ khoan.

Cụ thể, năm 2020 Liên đoàn thực hiện đo địa chấn phân giải cao trên biển vùng biển Thanh Hóa – Nghệ An từ tháng 3 - 6/2020, đã thực hiện trên 57 tuyến khảo sát và 4 tuyến kiểm tra (chia làm 7 đoạn tuyến) thuộc khu vực Thanh Hóa - Nghệ An với khối lượng 961 km tuyến.

Về đo sâu địa điện trở, Liên đoàn đã thực hiện đo trên các tuyến mặt cắt khu vực điều tra trọng điểm Thanh Hóa - Nghệ An, trong đó: đợt 1 được thực hiện trên 3 tuyến TNA25.ĐT01; TNA25.ĐT02; TNA25.  ĐT03 thuộc khu vực Nghệ An với khối lượng 462 điểm đo và 36 điểm kiểm tra; đợt 2 được thực hiện trên 5 tuyến TTH25.ĐT01; TTH 25.ĐT02; TTH 25.ĐT03; TTH 25.ĐT04; TTH 25.ĐT05 thuộc khu vực Nghệ An với khối lượng 632 điểm đo và 39 điểm đo kiểm tra.

Dự án gặp khó do thi công vùng gần bờ

Theo ông Lại Mạnh Giàu, công tác địa vật lý tiến hành đảm bảo tiến độ, chất lượng; phục vụ kịp thời yêu cầu công tác địa chất. Hiện nay, theo yêu cầu công tác địa chất, Ban Chủ nhiệm Dự án, Liên đoàn Vật lý Địa chất đề nghị cấp bổ sung kinh phí để thực hiện công tác đo địa chấn khúc xạ khu vực Thái Bình – Nam Định và Thanh Hóa – Nghệ An. Liên đoàn dự kiến sẽ tiến hành công tác này vào tháng 9 – 11/2020, sau khi được bổ sung kinh phí.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án, ông Kiều Huỳnh Phương – Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất cho biết: Đơn vị thi công trong vùng gần bờ - nơi nuôi trồng thủy sản và nước nông nên không tránh khỏi trục trặc, chẳng hạn như khi kéo thiết bị nếu không cẩn thận sẽ bị mắc vào lưới. Ngoài ra, thời tiết bất lợi như gió mùa cũng khiến số ngày thi công thực tế không được nhiều như dự kiến.

Trong quá trình thi công sản xuất có sự thay đổi so với thiết kế của Ban Chủ nhiệm dự án; một số hạng mục phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, vị trí khảo sát ảnh hưởng tới tiến độ thi công chung. Để giải quyết những khó khăn trên, ông Kiều Huỳnh Phương đề xuất Ban Chủ nhiệm tạo điều kiện cho đơn vị thi công thuận lợi đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật đề ra.

Dự án 47 - ĐCCT là dự án thuộc Đề án tổng thể điều tra về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006; Bộ TN&MT phê duyệt khối lượng và dự toán tại Quyết định số 384/QĐ-BTNMT ngày 24/2/2016.

Mai Đan