Thừa Thiên Huế: Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2020-2025

Môi trường - Ngày đăng : 06:18, 15/09/2020

(TN&MT) - Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp và phát huy vai trò, trách nhiệm của mặt trận, các đoàn thể trong công tác phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định kèm theo kế hoạch chi tiết về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á với nền nhiệt cao, chịu ảnh hưởng của các hiện tượng EL Nino và La Nina nên phải hứng chịu thời tiết cực đoan như bão, lụt, dông lốc, sạt trượt đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng...

Thống kê cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra ở Thừa Thiên Huế từ 1999 đến 2018 là 518 người chết với 9.306 tỷ đồng, trung bình mỗi năm có khoảng 18 người chết và 332 tỷ đồng bị thiệt hại. Từ năm 2009 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Huế diễn biến phức tạp.

Thiên tai ở Huế diễn biến phức tạp trong những năm qua. Trong ảnh là sạt lở biển Vinh Hải năm vừa qua

Hiện có hơn 64km/ 1.056 km bờ sông đang bị sạt lở nặng, tập trung chủ yếu các sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu..., ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, các công trình, giao thông đi lại. Hơn 10/127 km bờ biển bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như Phong Hải (huyện Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hải Dương (thị xã Hương Trà); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên(Phú Vang); Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc) đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác phòng, chống thiên tai phải xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; phải được thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả; Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà Việt Nam tham gia.

Trên cơ sở đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đạt được trong giai đoạn là: 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên toàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.

Nhiều hồ, đập ở Thừa Thiên Huế cạn đáy giữa năm 2019

Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của thiên tai. Chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế xã hội; 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, gồm: Về thể chế, chính sách; tổ chức, bộ máy; cơ sở hạ tầng; thông tin, truyền thông, đào tạo; nguồn lực tài chính;  khoa học công nghệ; giải pháp phòng chống thiên tai. Kết hợp các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình đối với lũ lụt, bão, lốc tố, lũ quét, nước biển dâng, lũ lụt và động đất, sóng thần.

Kèm theo đó là Kế hoạch ứng phó gồm: về công tác di dời dân; Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp; Triển khai công tác đảm bảo y tế; Tổ chức quản lý tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, hoạt động vận tải hành khách; Bảo đảm an toàn công trình hồ chứa nước;  Cung cấp nước sạch cho dân cư; Phương án ứng phó với thiên tai; Tổ chức ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

Được biết, nhờ nguồn vốn từ Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), trong năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng 230 căn nhà phòng chống lụt bão cho dân nghèo và dự kiến sẽ xây thêm 200 căn trong năm 2020.

Văn Dinh