Thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia còn lỏng lẻo

Trong nước - Ngày đăng : 16:06, 14/09/2020

(TN&MT) - Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực được nhân dân ủng hộ rất cao nhưng chỉ được một tháng đầu là tích cực. Còn đến nay, việc thực hiện Nghị định còn lỏng lẻo nên đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm hơn nữa để giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông, an ninh trật tự xã hội.

Nêu ý kiến tại Phiên thảo luận sáng nay (14/9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đặt ra vấn đề những chính sách được áp dụng trong cuộc sống, nhận được sự ủng hộ rất cao của nhân dân. Đó là thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm. Ảnh: quochoi.vn

Để thực hiện Luật này, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 100 nên đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, người dân thực hiện Nghị định chỉ được 1 tháng đầu là tích cực. Còn đến nay, việc thực hiện Nghị định còn lỏng lẻo nên đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm hơn nữa để giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông, an ninh trật tự xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ băn khoăn báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đề cập tới tình trạng tín dụng đen, băng nhóm xã hội từ năm 2019 đến nay là giảm hay tăng. Ngoài ra, vấn đề môi giới đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và ngược lại là môi giới người nước ngoài vào Việt Nam trong thời kỳ nước ta phòng chống đại dịch Covid-19. Việc xét xử ở các địa phương như thế nào thì trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập rõ.

Về vấn đề này, ông Giàu yêu cầu cầu Tòa án ở các địa phương cần có sự xét xử nghiêm minh như ở Móng Cái để răn đe loại hình tội phạm này.

Đề cập tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, trong báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ là có 234.620 người liên quan đến những loại tội phạm này là có hồ sơ nhưng số lượng người nghi ngờ không có hồ sơ còn rất lớn. Đây là vấn đề rất nguy hiểm đến xã hội nên cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình trạng tàng trữ, mua bán vũ khí đang có chiều gia tăng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, vấn đề này chưa rõ ràng. Vì vây, đề nghị Bộ Công an nói rõ hơn về việc quản lý tình trạng này. Đặc biệt, tội phạm giả danh công an, quân đội đã xuất hiện nên đòi hỏi Bộ Công an và các cơ quan chức năng cần có sự quản lý việc buôn bán, sử dụng trang phục công an, quân đội để phòng chống loại tội phạm này gia tăng.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại Phiên thảo luận, đa phần các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, trong đại dịch Covid-19 đã xuất hiện một số tội phạm, vi phạm pháp luật mới như: tội phạm xâm phạm sở hữu, xuất nhập cảnh, tín dụng đen, buôn bán hàng đa cấp, buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, tệ nạn cờ bạc... Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Tuyết Chinh