Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:29, 14/09/2020

(TN&MT) - Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mục đích nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, nhằm giảm nhẹ thiệt hại trước tình hình và tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Quyết định số 987/QĐTTg, Kế hoạch hành động số 200-KH/TU phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn của các ngành, địa phương.

Đài Khí tượng Thủy văn nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi diễn biến thiên tai, dự báo kịp thời và chính xác

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh, ban hành chính sách đẩy mạnh xã hội hoá một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai; thời gian thực hiện 2020-2021. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình tổng thể, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều, hồ đập mất an toàn, sạt lở bờ sông, bờ biển, khu vực trọng yếu; khẩn cấp di dời dân cư vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững; đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa sơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai các cấp.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa có giải pháp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi diễn biến thiên tai, dự báo kịp thời, chính xác tình hình diễn biến của từng đợt thiên tai để tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo như đầu tư trang thiết bị, máy móc, hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong công tác khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dự báo.

Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cứu hộ, cứu nạn theo chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng hệ thống kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức lắp đặt hệ thống cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. Phải chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và đầu tư công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn, nhất là đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Thu Thủy