Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Cải tạo môi trường do khai thác khoáng sản gây ra

Tài nguyên - Ngày đăng : 22:59, 12/09/2020

(TN&MT) - Triển khai tập trung thực hiện chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật khoáng sản và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, trong những năm qua Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm vụ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa

Trong 5 năm qua (2015 – 2020), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tất cả các Giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT. Tất cả các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản đều đã triển khai xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép.

Theo kết quả theo dõi thống kê của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tất cả các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương và địa phương đã xác định tính đến hết năm 2019 là khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó: các Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT khoảng 36.000 tỷ đồng, các Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉn khoảng 24.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức tính, thẩm định 165 hồ sơ; trình Bộ TN&MT phê duyệt 320 hồ sơ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là 16.134 tỷ đồng; gửi văn bản xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp hàng năm cho Cục thuế địa phương để có thông báo cho tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác với tổng số tiền 14.684 tỷ đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thống kê, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do tổ chức, cá nhân đã nộp vào ngân sách Nhà nước từ năm 2015 – 2020 là 23.425 tỷ đồng. Như vậy, hiện nay trung bình mỗi năm thu ngân sách nhà nước từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 4.500 - 5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ông La Thanh Long – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Việc triển khai thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của hoạt động khai thác khoáng sản, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với nhà nước và địa phương; đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu cơ xin cấp mỏ để mua, bán chuyển nhượng quyền khai thác; hạn chế tình trạng các doanh nghiệp khai thác nhỏ lẻ, manh mún, không có năng lực tài chính, giữ mỏ không khai thác…

“Nhiệm vụ này cũng góp phần tạo nguồn lực tài chính cho ngân sách để tái đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những tác động khác do khai thác khoáng sản gây ra, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước”, ông La Thanh Long nhấn mạnh.

Mai Đan