Bình Định: Người Bana Vân Canh đổi đời nhờ nguồn vốn vay chính sách xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 17:33, 12/09/2020

(TN&MT) - Từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội mà hàng trăm hộ dân nghèo đồng bào dân tộc Bana, Chăm của huyện miền núi Vân Canh vươn lên thoát nghèo, đời sống khấm khá, kinh tế gia đình được cải thiện. Cái đói, cái nghèo, ăn cơm độn mì một thời bao phủ làng quê nay đã lùi xa.

Vân Canh là huyện miền núi, nằm về phía Tây Nam tỉnh Bình Định, gồm ba dân tộc cùng chung sống là Kinh, Chăm và Ba Na. Do đặc thù huyện miền núi, đất cằn sỏi đá nên đời sống người dân Vân Canh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận khởi sắc nhờ phát triển kinh tế hộ gia đình 

Để giúp người dân trên địa bàn huyện được vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm hộ nghèo mỗi năm, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vân Canh đã phối hợp với chính quyền và các hội, đoàn thể triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đến từng thôn, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn lượt hộ được vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo Báo cáo 8 tháng đầu năm 2020 của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vân Canh, kết quả triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho vay 79.996 triệu đồng/1.745 lượt hộ vay; cho vay hộ nghèo 18.616 triệu đồng/464 lượt hộ vay; hộ cận nghèo 18.665 triệu đồng/351 lượt hộ vay; hộ mới thoát nghèo 10.940 triệu đồng/186 lượt hộ vay; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 12.508 triệu đồng/264 lượt hộ vay.

Nhà cửa người dân Canh Thuận khang trang nhờ phát triển kinh tế hộ gia đình 

Mong muốn đồng vốn đến được tay người dân nghèo nên các Tổ tiết kiệm vay vốn hình thành và hoạt động hiệu quả, không chỉ là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp chuyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng mà còn giúp bà con tính toán làm ăn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cách sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng chính sách.

Từ đó những dòng vốn này, mỗi ngày thêm lan tỏa và phủ rộng theo năm tháng cùng đôi tay cần mẫn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần xoay chuyển cuộc sống của họ, vun đắp ấm no và phát triển kinh tế địa phương, mới thấy được vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm vay vốn phối hợp nhịp nhàng cùng Ngân hàng chính sách xã hội triển khai có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Bà Đinh Thị Xuân, sinh sống ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận.

Chúng tôi theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Canh đến thăm gia đình chị Đinh Thị Xuân, sinh sống ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận. Gia đình chị Xuân là một tấm gương điển hình vượt khó của người đồng bào dân tộc Bana từ đói nghèo vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hiện tại.

Tâm sự với chúng tôi, chị Xuân chia sẻ: Những năm tháng khó khăn nghèo đói của nhiều năm trước đã đi qua. Nếu không có nguồn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện thì cuộc sống gia đình tôi không thể có được ngày hôm nay. Tôi bắt đầu vay vốn với số tiền 50 triệu đồng vào năm 2007 để trồng cây keo. Đến nay, tôi đã thu hoạch hai lứa kéo và có tiền mua xe cơ giới để phục vụ khai thác và vận chuyển keo. Cứ 01ha keo sau 7 năm thu về 100 triệu đồng đã trừ các chi phí và trả tiền vay vốn. Hiện nay tôi đang vay 200 triệu đồng của các chương trình tín dụng chính sách để mở rộng phát triển diện tích trồng keo tăng thêm thu nhập cho gia đình.

 Chị Đinh Thị Hà – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận 

Cùng với những cảm xúc ấy, chị Đinh Thị Hà – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận bày tỏ: Tổ viên trong tổ hiện có 46 người vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để chăn nuôi, trồng keo phát triển kinh tế hộ gia đình. Gia đình tôi hiện đang vay 100 triệu đồng để trồng keo. Nhớ lại những năm tháng trước kia, cái đói, cái nghèo bao phủ làng quê trong đó có gia đình tôi. Mọi người phải ăn củ mì độn cơm, con cái nheo nhóc, cực khổ trăm bề. Nói đến đây chị Hà không cầm được những giọt nước mắt về ký ức đói nghèo đã ghi nhớ in sâu vào nỗi đau của chị.    

Nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi đã rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện để người nghèo trên địa bàn huyện Vân Canh từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của một số địa phương.

Keo là cây chủ lực phát triển kinh tế hộ gia đình 

Chia sẻ với Pv Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Vân Canh cho biết: Để tiếp tục giúp hộ nghèo vươn lên, đơn vị luôn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND các xã, thị trấn, triển khai sâu rộng Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 56 của Ban Thường vụ Huyện ủy Vân Canh để cán bộ và nhân dân biết nội dung tinh thần chỉ đạo của chỉ thị, vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng chính sách huyện và các hội, đoàn thể, các địa phương cùng chung tay nỗ lực đưa đồng vốn đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng, để những đồng vốn đó đem lại sự no ấm, hạnh phúc cho những hoàn cảnh khó khăn và chắp cánh cho những ước mơ tương lai của trẻ em nghèo trên địa bàn huyện.

Ông Vinh chia sẻ thêm: Hiện nay có 18 chương trình cho vay vốn ưu đãi nhưng tôi tâm đắc nhất là chương trình cho vay Dự án phát triển lâm nghiệp (WB3), đây là chương trình vừa giúp người dân nghèo phát triển kinh tế, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Chương trình vừa đạt mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế, vừa mang ý nghĩa môi trường, xã hội rất lớn.

Keo mọc cao vút rợp bóng hai bên đường liên xã Canh Thuận 

Trong 17 năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vân Canh cùng đồng hành hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Có thể nói, Vân Canh hôm nay đã thực sự thay đổi, những năm tháng đói nghèo trong quá khứ đang dần lùi xa để xây dựng hình ảnh Vân Canh trong diện mạo mới trên bước đường xây dựng và phát triển.

Mỹ Bình