Kiên quyết không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma tuý quốc tế

Trong nước - Ngày đăng : 08:55, 12/09/2020

(TN&MT) - Hiện nay việc ngăn chặn trung chuyển ma túy qua biên giới gặp nhiều khó khăn, công tác ngăn chặn tội phạm ma túy gặp không ít thách thức… Điều đó đòi hỏi phải sửa Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngăn chặn, kiềm chế tội phạm ma túy; xóa bỏ đường dây tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy.

Điều này được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh khi điều hành chương trình Phiên họp thứ 48 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), chiều1/9.

Thiếu quy định quản lý người sử dụng ma tuý tổng hợp

Báo cáo tại phiên làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, nhất là từ khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự. Đặc biệt, người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên làm việc chiều 11/9 của UBTVQH. Ảnh: Quốc Khánh

Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức. Do đó, Dự thảo dành một chương mới với 5 điều để quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy. Mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội.

Cơ quan soạn thảo dự án Luật nêu rõ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như đã nêu trong trong Tờ trình của Chính phủ. Thường trực Ủy ban nhấn mạnh thêm, với việc coi nghiện ma túy cũng là một loại bệnh nên vừa qua Chính phủ đã có sự chuyển đổi quan điểm tiếp cận, thay vì chú trọng các giải pháp cách ly người nghiện như trong giai đoạn trước, chuyển dần sang tập trung công tác dự phòng, điều trị, giảm tác hại là cần thiết và có hiệu quả.

Cần cương quyết, mạnh tay

Cho ý kiến vào dự án Luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ đối mặt với an ninh phi truyền thống, mất an ninh xuyên quốc gia.

Toàn cảnh phiên làm việc chiều 11/9. Ảnh: Quốc Khánh

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ, hiện nay việc ngăn chặn trung chuyển ma túy qua biên giới cũng gặp nhiều khó khăn, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh; công tác ngăn chặn tội phạm ma túy gặp không ít thách thức… Điều đó đòi hỏi phải sửa Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân vào ngăn chặn, kiềm chế tội phạm ma túy; xóa bỏ đường dây tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy. Kiên quyết không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong Tờ trình của Chính phủ nên bổ sung thêm đánh giá về thực trạng người nghiện ma túy, phân loại đối tượng nghiện ma túy để có phương pháp điều trị thích hợp hơn trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lưu ý, hiện nay hệ thống chính sách phòng, chống ma túy chưa đủ mạnh, nhất là ở các địa điểm cai nghiện tập trung. Vì vậy, nên chú trọng, tập trung tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ cai nghiện ma túy có trình độ, chuyên môn cao, có bác sỹ điều trị và cả bác sỹ tâm lý. Đồng thời, có chính sách đặc thù cho các đối tượng quản giáo và những người trực tiếp cai nghiện cho người nghiện ma túy.

Tuyết Chinh