Lạng Sơn: Xử lý các doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 14:33, 11/09/2020
Theo Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn có gần 40 doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do một số doanh nghiệp khó khăn về tài chính, một số doanh nghiệp chưa nhận thức được quy định của Luật Khoáng sản nên đã thăm dò và xin cấp phép khai thác với trữ lượng, công suất khai thác lớn.
Thực tế khi đi vào sản xuất, công suất khai thác, sản lượng tiêu thụ nhỏ hơn so với giấy phép, trong khi đó số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp lớn, doanh nghiệp không đủ khả năng nộp hoặc chây ỳ trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách Nhà nước.
Trước tình trạng này, hàng tháng Cục Thuế tỉnh đã đôn đốc bằng văn bản, điện thoại và mời các doanh nghiệp lên làm việc, ký cam kết nộp tiền nợ. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan Thuế ngoài tỉnh đôn đốc, thu hồi tiền thuế còn nợ đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh; thực hiện các biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Khoáng sản; cung cấp thông tin để Sở TN&MT xử lý doanh nghiệp nợ thuế.
Tuy nhiên, theo Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp vẫn không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ. Để đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của phát luật và tạo sự công bằng, bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cục Thuế Lạng Sơn đã kiến nghị UBND tỉnh và Sở TN&MT thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với 6 doanh nghiệp do không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Hoạt động khai thác đá ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. |
Theo kết quả kiểm tra mới đây của Sở TN&MT Lạng Sơn, qua xem xét 5 doanh nghiệp/6 mỏ mà Cục Thuế đề nghị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản cho thấy, có 3 mỏ đã hoàn thành nộp tiền cấp quyền khai thác (mỏ đá vôi Nà Chiêm, mỏ đá vôi Phai Kịt, điểm cát, sỏi phục vụ nông thôn mới tại huyện Văn Quan); mỏ bauxit Khòn Pá - Tùng Tày đã có Quyết định bãi bỏ Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác; mỏ đá vôi Lân Lừa đã có hồ sơ đề nghị trả lại Giấy phép khai thác; mỏ đá vôi Lân Đa đang tiến hành xây dựng cơ bản mỏ, chưa xin Giấy phép sử dụng vật liệu nổ, chưa tiến hành khai thác do vướng mắc giải phóng mặt bằng nên kiến nghị không tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã đồng ý với đề xuất của Sở TN&MT về việc không xử lý tước giấy phép khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp đã nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được phê duyệt.
Giao Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cho phép Công ty TNHH Tiến Long trả lại Giấy phép khai thác mỏ đá vôi Lân Lừa, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng. Xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng Công ty TNHH Tiến Long đã khai thác từ ngày 01/01/2014 đến thời điểm được UBND tỉnh cho phép trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác mỏ đá vôi Lân Lừa theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh trong việc đôn đốc các doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cố tình nợ đọng kéo dài, không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Ông Thiệu cũng giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xử lý đề nghị của Công ty TNHH Anh Thắng về gia hạn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác mỏ đá vôi Lân Đa, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Công ty TNHH Anh Thắng không bảo đảm điều kiện gia hạn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chủ động áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp cố tình nợ đọng kéo dài.