Lai Châu: Siết chặt việc cấp phép và khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:05, 11/09/2020

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chú trọng thực hiện chính sách pháp luật về cấp phép và khai thác khoáng sản, đảm bảo các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác đúng quy định.

Mặc dù được cấp phép khai thác nhưng vẫn còn một số đơn vị khai thác đá trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa khai thác đúng phương án khai thác.

Với nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, hoạt động khai thác khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lai Châu. Trong đó, nhiều nhất là hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với 23 giấy phép khai thác. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu nguồn ngân sách nhà nước, nguy cơ tác động đến môi trường.

Đối với hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, trong quá trình khai thác, một số doanh nghiệp khai thác đá chưa thực hiện đúng phương án khai thác. Theo ý kiến giải trình của các doanh nghiệp, do mỏ có quy mô khai thác nhỏ (từ 10.000 – 30.000m3/năm), thời hạn được cấp phép ngắn, địa hình phức tạp, mặt khác, do khối lượng bạt ngọn để cắt tầng lớn, trong khi sản lượng khai thác nhỏ, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện theo phương án khai thác.

Ông Đỗ Văn Xiêng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu cho biết: Đối với việc cấp phép mỏ đá, về thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế - kỹ thuật của các mỏ đá trên địa bàn tỉnh được Sở Xây dựng thẩm định, tham gia ý kiến trước khi được Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác. Sở TN&MT thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng phương án khai thác được thẩm định thông qua các đợt kiểm tra, thanh tra tập huấn, tuyên truyền pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Sở đã tổ chức tập huấn cho hơn 30 người là Giám đốc doanh nghiệp và cán bộ trực tiếp quản lý mỏ.

“Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 17 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường hết hạn khai thác, sở đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác lập hồ sơ gia hạn khai thác. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan yêu cầu các đươn vị được cấp phép khai thác, được gia hạn khai thác thực hiện đúng phương án khai thác, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm” – ông Xiêng cho biết thêm.

Kiểm tra hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Tam Đường.

Song song với việc siết chặt công tác cấp phép khoáng sản, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Hàng năm, UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch cụ thể thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức cá nhân; công tác bảo vệ khoáng sản tại các khu vực chưa cấp phép hoạt động được tăng cường, tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Cùng với đó, yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn; lập biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo thẩm quyền. Nếu địa phương nào để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Hà Thuận