Phục hồi sinh kế sau tác động của hạn mặn và dịch Covid - 19

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:34, 10/09/2020

(TN&MT) - Các hành động cần thiết để giảm nhẹ tác động của thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu để đảm bảo phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được thảo luận tại Hội thảo Phòng chống thiên tai (PCTT) lồng ghép đối thoại chính sách về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam, sáng nay (10/9), tại Hà Nội.

Hội thảo do Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, trong khuôn khổ phi dự án Ứng phó với Hạn hán – xâm nhập mặn 2020.

Tăng khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH trong bối cảnh dịch bệnh

Cuối năm 2019, đầu năm 2020 ở Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gây tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh ứng phó với thiên tai, Việt Nam còn đang chịu ảnh hưởng từ làn sóng lây nhiễm thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục PCTT phát biểu tại Hội thảo

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục PCTT cho biết, ngày 12/8 vừa qua, Tổng cục PCTT với vai trò là Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã tổ chức cuộc họp về phòng chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 với sự tham gia của các thành viên đối tác. Trong đó, UNDP là một trong những cơ quan tích cực đi đầu trong việc áp dụng phương pháp tiếp cận tổng thể ứng phó với thiên tai và dịch bệnh.

Thông qua dự án Ứng phó với Hạn hán – Xâm nhập mặn 2020 do UNDP tài trợ, một loạt hoạt động thiết thực đã được triển khai như: hỗ trợ 300 bồn nước cho người dân chịu ảnh hưởng ở Bến Tre; hỗ trợ sinh kế cho các hộ thiệt hại ở Cà Mau; tiến hành đánh giá tác động của hạn hán và xâm nhập mặn đối với một số lĩnh vực chủ chốt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng khung kế hoạch tổng thể về ứng phó với thiên tai ở Việt Nam.

Khuyến nghị về cách tiếp cận tổng hợp nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH và giải quyết các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, Tiến sĩ Ian Wilderspin, Tư vấn quốc tế - UNDP cho biết, các hướng dẫn chiến lược để lồng ghép các giải pháp thích ứng với đại dịch COVID-19 gồm: Áp dụng giải pháp phục hồi theo từng giai đoạn; Tăng cường quản trị, phối hợp tổ chức và hợp tác; Cải thiện và phát triển các hệ thống/cơ chế bảo trợ xã hội thích ứng và ứng phó với thiên tai; Hiện đại hóa dữ liệu và hệ thống thông tin; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi; Kích thích tiêu dùng bền vững và các giải pháp dựa vảo tự nhiên…

Những hành động này sẽ giúp khắc phục các tác động kinh tế-xã hội chung của hạn hán, xâm nhập mặn và COVID-19 và giúp đề phòng các đại dịch trong tương lai cũng như các khủng hoảng khác trong khu vực. Đồng thời, giúp Việt Nam “xây dựng lại tốt đẹp hơn” phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và Khung Sendai về GNRRTT.

Tiến sĩ Ian Wilderspin, Tư vấn quốc tế - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thảo luận tại Hội thảo

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ian Wilderspin cũng khuyến nghị cần tăng cường tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm và thông tin phòng chống thiên tai/ COVID-19 tương ứng. Lồng ghép các đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương như một phần của chiến lược chung về phòng chống thiên tai và thích ứng với đại dịch COVID-19.

Mặt khác, xây dựng khung Quản lý Rủi ro Thiên tai và Y tế Khẩn cấp bao gồm các chính sách, chiến lược và luật pháp về các rủi ro y tế. Duy trì và tăng cường công tác truyền thông đa rủi ro và rủi ro đại dịch để mang lại sự thay đổi về hành vi lâu dài.

“Chuyển từ cách tiếp cận rủi ro đơn lẻ sang cách tiếp cận đa rủi ro, và chuyển từ trọng tâm định hướng rủi ro sang trong tâm là tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực”,  Tiến sĩ Ian Wilderspin lưu ý.

Khung phục hồi sinh kế sau tác động của hạn mặn và Covid-19

Đánh giá về tác động của COVID-19 ở ĐBSCL, đại diện Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) cho biết, khảo sát của MCNV tại hai tỉnh Bạc Liêu và Bình Thuận cho thấy, hạn mặn làm giảm sản lượng cây trồng và vật nuôi trong khi Covid-19 đóng băng thị trường tiêu thụ và làm giảm cơ hội việc làm.

Trong điều kiện hạn mặn và dịch bệnh, các hộ gia đình cần được hỗ trợ các công trình thủy lợi nhỏ đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất; đấu nối với đường ống cấp nước sinh hoạt; xây các bể nước và giếng khoan. Cùng với đó là nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật canh tác mới: tưới nhỏ giọt, khuyến nông chuyển đổi mùa vụ và cây trồng vật nuôi; cập nhật thông tin về hạn mặn và COVID-19; kiến thức vệ sinh và phòng dịch; đầu vào cho sản xuất.

Quang cảnh hội thảo

Từ đó, Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan – Việt Nam đề xuất khung phục hồi sinh kế sau tác động của hạn mặn và Covid-19. Trong đó, hỗ trợ về thể chế và doanh nghiệp thông qua xây dựng các chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược quản trị rủi ro, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý về quản lý thiên tai, cải thiện quy hoạch nông nghiệp…

Cùng với đó, cải thiện tiếp cận nguồn nước, xây và lắp đặt hạ tầng cấp nước sạch tới hộ gia đình. Chú trọng duy tu bảo dưỡng và xây hệ thống kênh mương, ao, hồ chứa, đê, đập… để giữ nước ngọt cho sản xuất. Đặc biệt, xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo mặn sớm

Ngoài ra, để phục hồi sinh kế, cần hỗ trợ năng lực tập huấn thích ứng biến đổi khí hậu, vệ sinh phòng dịch cho cộng đồng, kỹ thuật thích ứng cho sản xuất nông nghiệp và tập huấn nghề giúp chuyển đổi công việc.

Việt Hùng