Quản lý tài nguyên khoáng sản – nhiều chuyển biến tích cực

Khoáng sản - Ngày đăng : 15:28, 10/09/2020

(TN&MT) - Để nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn ngày càng sử dụng hợp lý, hiệu quả, góp phần thu hút và thúc đấy phát triển mọi mặt. Các cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, giải pháp để quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong lĩnh vực khai khoáng.

Trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã khoanh định, công bố các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

Sau khi kiểm tra, đánh giá, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực; các tổ chức, cá nhân được cấp phép phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, kiểm kê trữ lượng khoáng sản trước khi thực hiện công tác đóng cửa mỏ.

Năm 2020, việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định báo cáo thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản được triển khai mạnh mẽ. Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tình trạng khai thác các loại khoáng sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn, các doanh nghiệp đã nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiến hành tổ chức 95 cuộc kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra theo kế hoạch 286 mỏ đá, cát trên địa bàn, yêu cầu dừng khai thác 28 đơn vị; đóng cửa 96 mỏ do khai thác không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường...

Sau kiểm tra là công tác chỉ đạo các địa phương nhanh chóng xử lý, ngăn chặn, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện kiểm điểm tập thể, cá nhân, làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tham mưu cho UBND tỉnh cấp 390 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 468,8 tỷ; thuế tài nguyên 578,8 tỷ.

Để tạo đà phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đồng thời yêu cầu các đơn vị chú trọng tới công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Đơn cử, tại HTX KT-CB đá Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, xác định theo hướng phát triển nghề khai thác lâu dài gắn với bảo vệ môi trường, HTX KT-CB đá Đồng Thắng đã có đề nghị UBND tỉnh xin mỏ rộng khai trường khu vực mỏ đá, để có quỹ đất tiến hành xây dựng hệ thống xử ý nước thải, hệ thống phun tưới giảm thiểu bụi và xây dựng các công trình phụ trợ khác.

Theo Chủ nhiệm HTX KT-CB đá Đồng Thắng, môi trường có đảm bảo thì sự phát triển của nghề đá mới bền lâu, chính vì vậy HTX đã gửi hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin mở rộng khai trường làm mặt bằng sản xuất, chế biến đá và xây dựng các hạng mục công trình xử lý chất thải do khai thác đá. Sau khi kiểm tra, các sở đều có ý kiến thẩm định về sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất… Đây được xem như tín hiệu đáng mừng, tạo tiền đề cho sự phát triển của HTX Đồng Thắng trong tương lai.

Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản gắn với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng ngoài việc cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản, hạn chế các vi phạm về khai thác khoáng sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; đồng thời, các cơ quan chức năng cần lắng nghe, có động thái tháo gỡ các “nút thắt” vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải theo quy định của pháp luật.

Đức Duy