Lối thoát nào cho bãi rác khổng lồ?
Môi trường - Ngày đăng : 10:43, 10/09/2020
Trải qua hơn 20 năm sử dụng, cùng diện tích đất chỉ có vỏn vẹn 2,7 ha phục vụ cho việc chôn lấp rác, khiến cho bãi rác này quá tải, ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn bao giờ hết. Ước tính hiện nay, bãi rác Sầm Sơn đang tồn lưu khối lượng rác lên tới nửa triệu tấn, một số vị trí rác chất cao như núi, có chỗ cao tới 13 m. Lượng rác khổng lồ kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu về môi trường xung quanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, nguồn nước ngầm và đặc biệt là sức khỏe của con người.
Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa bãi rác Sầm Sơn vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, việc tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên lại đang là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng.
Bãi rác khổng lồ tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) |
Ông Hoàng Thăng Giáp, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn cho biết: Đúng là những năm qua, không chỉ Trung Sơn, mà người dân phường Bắc Sơn và nhiều xã lân cận khác liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm, quá tải tại bãi rác Sầm Sơn. Địa phương đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị lên UBND thành phố để tìm phương hướng giải quyết, di dời bãi rác đến nơi khác, xong đến nay vì nhiều lý do khách quan mà bãi rác vẫn chưa thể đóng cửa. Trước mắt, UBND phường sẽ thường xuyên đôn đốc, đề nghị phía Công ty CP Môi trường đô thị dịch vụ du lịch Sầm Sơn xử lý rác, giảm thiểu ô nhiễm nhiều nhất có thể.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2018, Công ty CP Môi trường đô thị dịch vụ du lịch Sầm Sơn báo cáo xin đóng cửa bãi rác vì không còn khả năng chứa. UBND TP Sầm Sơn sau đó chỉ đạo đơn vị thu gom đổ vào đường đi nội bộ trong bãi rác và đến nay cũng chỉ còn rất ít khoảng trống.
Người dân phản ánh về tình trạng ruồi muỗi, mùi hôi thối do bãi rác quá gần khu dân cư |
Ông Lê Văn Hiển, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị dịch vụ du lịch Sầm Sơn giãi bày: “Khách quan mà nói, bãi rác Sầm Sơn quá tải không chỉ có nguyên nhân do phát sinh rác lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhìn vào thực tế, bãi rác này hoàn toàn không đủ điều kiện để trở thành khu xử lý rác hợp vệ sinh. Bãi rác nằm ngay sát khu dân cư, diện tích quá nhỏ so với một Thành phố du lịch, các công trình phụ trợ cho bãi rác đều không có hoặc đã xuống cấp. Giải pháp cấp thiết hiện nay là nhanh chóng tìm ra một địa điểm mới có đủ điều kiện, đáp ứng được các yêu cầu về môi trường để sớm di dời bãi rác này”.
Cũng theo ông Hiển, để phần nào giảm thiểu sự ô nhiễm từ bãi rác, phía Công ty đã thực hiện phương châm “rác về đến đâu, xử lý đến đó”, đồng thời phủ bạt chuyên dụng nhằm tránh phát tán mùi hôi, phun chế phẩm sinh học để tiêu diệt ruồi muỗi. Tuy nhiên đây chỉ là những biện pháp trước mắt, mang tính chất tạm thời, nếu không sớm di dời thì dù có xử lý thế nào cũng không thể hết ô nhiễm.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương cho phép TP. Sầm Sơn lập quy hoạch bãi rác ở xã Quảng Minh với diện tích khoảng 14 ha. Bãi rác có công suất giai đoạn một là 200 tấn rác/ngày, giai đoạn hai có thể nâng lên khoảng 500 tấn một ngày. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đủ năng lực tiếp nhận đầu tư xây dựng khu xử lý rác mới.
Bãi rác nằm trên địa phận phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn, được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép xây dựng, sử dụng vào năm 1996 với tổng diện tích 2,7 ha. Bãi rác được sử dụng làm nơi tập kết, chôn lấp rác thải với công suất 25 tấn/ngày. Tuy nhiên, theo số liệu từ đơn vị quản lý bãi rác, hiện nay bãi rác Sầm Sơn mỗi ngày phải tiếp nhận từ 50 - 65 tấn rác các loại, vào mùa du lịch có thể lên tới 135-150 tấn/ngày, gấp nhiều lần so với công suất dự tính.