Bảo vệ “lá chắn” của hành tinh vì tương lai nhân loại: Hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:16, 10/09/2020

(TN&MT) - Qua 26 năm tham gia vào Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal (từ năm 1994), Việt Nam đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan, từng bước tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động nhập khẩu, tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Điều này vừa giúp Việt Nam đáp ứng nghĩa vụ thành viên của Nghị định thư Montreal, vừa thể hiện vai trò của cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cơ quan đầu mối thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal tại Việt Nam.

PV: Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các chính sách về quản lý, loài trừ các chất suy giảm tầng ô-dôn được Việt Nam xây dựng và triển khai sớm hơn cả. Vậy đến nay, hệ thống chính sách lĩnh vực này đã đầy đủ và hoàn thiện chưa, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường:

Kể từ khi tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn năm 1994, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện cam kết về quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS), đã loại bỏ thành công các chất gây suy giảm tầng ô-dôn mạnh như CFC, Halon, CTC, HCFC 141b nguyên chất và đưa vào quản lý các chất như Methyl Bromide, HCFC theo lộ trình cam kết của Việt Nam.

TS.Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu

Ngày 30/12/2011, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT quy định về hạn ngạch nhập khẩu cũng như thủ tục nhập khẩu của các chất HCFC theo quy định của Nghị định thư Montreal.

Gần đây nhất, 2 Bộ đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-BCT ngày 16/3/020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư trên, trong đó, có điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC theo lộ trình quản lý, loại trừ của Việt Nam và bổ sung quy định về cấp phép nhập khẩu và xuất khẩu đối với các chất HFC. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam xây dựng thông tin dữ liệu về hoạt động xuất, nhập khẩu, là cơ sở tính toán mức tiêu thụ cơ sở các chất HFC của Việt Nam trong các năm tới.

Ngoài Thông tư nêu trên, Việt Nam đã tăng cường kiểm soát, quản lý đối với các chất HFC, tiến tới thực hiện loại trừ dần các chất này theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam đã tham gia từ tháng 9/2019.

Một trong những bước tiến mạnh mẽ về bảo vệ tầng ô-dôn là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn. Cụ thể, các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn được dự kiến đưa vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020, và ban hành Nghị định cụ thể hóa các quy định của Luật quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính kiểm soát theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Có thể nói, Việt Nam đang nỗ lực hết mình để hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến việc quản lý, loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính bị kiểm soát góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của tầng ô-dôn và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

PV: Việt Nam gặp những khó khăn gì trong quá trình thực thi các chính sách và cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường:

Việt Nam chính thức phê duyệt và trở thành thành viên của Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal vào năm 1994. Việc nội luật hóa các quy định và yêu cầu quản lý mới ở thời điểm đó gây ra không ít khó khăn với các nhà quản lý. Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, tham khảo học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác, từng bước đưa vào quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo đúng lộ trình của Nghị định thư áp dụng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Trong quá trình thực thi Nghị định thư, Việt Nam đã nhận được những hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Đa phương để triển khai các hoạt động về tăng cường thể chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ô-dôn, tăng cường năng lực của cán bộ quản lý về ô-dôn nói chung và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quản lý.

Cụ thể, năm 2005, Quỹ Đa phương thông qua Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện Dự án Kế hoạch quốc gia của Việt Nam loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC và Halon, thực hiện trong giai đoạn 2005 - 2010. Kết thúc dự án, Việt Nam chính thức cấm nhập khẩu các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010.

Năm 2012, Việt Nam triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn I (HPMP I) từ năm 2012 - 2017, kết thúc dự án Việt Nam đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo cam kết. Việt Nam chính thức loại trừ hoàn toàn HCFC 141b nguyên chất từ ngày 1/1/2015.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Dự án giai đoạn II từ năm 2018 - 2023 với mục tiêu giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở của HCFC từ năm 2020 và tiến tới giảm 67,5% mức tiêu thụ cơ sở của HCFC từ năm 2025 và về cơ bản chấm dứt nhập khẩu HCFC vào năm 2030. 

PV: Được biết, trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được thông qua có riêng 1 điều về bảo vệ tầng ô-dôn. Để triển khai Hiệp định này, chúng ta cần có những giải pháp nào trong xây dựng chính sách cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường:

Các yêu cầu, quy định của EVFTA có sự gắn kết chặt chẽ và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường nói chung và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn nói riêng. 

Để triển khai có hiệu quả các quy định trong EVFTA và các cam kết quốc tế, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành chỉnh sửa, bổ sung các văn bản, chính sách quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan nhằm kiểm soát việc sản xuất, tiêu thụ và mua bán các chất bị kiểm soát phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.

Cục Biến đổi khí hậu làm việc với Ngân hàng Thế giới về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Trong thời gian tới, Cục BĐKH tiếp tục trao đổi cùng với các đối tác quốc tế để phát triển Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn 3 và nghiên cứu để tham mưu cho Bộ xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác trao đổi, phổ biến thông tin, chia sẻ kinh nghiệm đóng vai trò  quan trọng. Với vai trò cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong quản lý Nhà nước về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phổ biến kinh nghiệm về quản lý, cập nhật giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến giữa các quốc gia.

Do vậy, việc triển khai Hiệp định với các nội dung đề ra sẽ không chỉ tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu, mà còn giúp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường, trong đó, có những thị trường khó tính như châu Âu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)