Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo
Môi trường - Ngày đăng : 10:15, 10/09/2020
Suy thoái môi trường biển
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá thực hiện các giải pháp này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Cụ thể, tromg thời gian qua, các hoạt động chế biến hải sản đã mang lại nguồn lợi kinh tế cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy vậy, hoạt động này đã và đang là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông. Bên cạnh đó, chất thải phát sinh từ hoạt động của du lịch cũng là nguyên nhân làm môi trường biển bị suy thoái.
Ngoài ra, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên đã kéo theo nhiều hệ lụy tới môi trường như: tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển ngày càng nhiều; lấn biển xây dựng công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh không theo quy hoạch… đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở vùng cửa sông, cửa biển; phá vỡ thế cân bằng tự nhiên.
Đặc biệt, gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên tình trạng sạt lở bờ biển tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, chỉ tính trong vòng 15 năm qua, tốc độ sạt lở từ 2 mét/năm, nay đã lên đến 30 mét/năm, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của BĐKH.
Với lợi thế về hệ thống cảng nước sâu hiện đại, Cảng Quốc tế Cái Mép đón được tàu trọng tải tới 200.000 tấn |
Triển khai nhiều giải pháp
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu xói lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; Sở TN&MT đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Hiện, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển 48.618 m. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 36.744 m; phần huyện đảo, Côn Đảo có 13 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 11.874 m phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bao gồm: 5 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 2.476 m.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thường xuyên phối hợp vời Sở Du lịch, UBND các huyện tăng cường tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục, quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch; giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật về bảo vê môi trường.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức, đoàn thể, địa phương thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Chiến dịch "Hãy làm sạch biển". Các hoạt động đã được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh với những nội dung thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và tầng lớp nhân dân.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường triển khai, giám sát chặt công tác nhận chìm và giao khu vực biển. Theo đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành theo dõi, kiểm tra và giám sát hoạt động nhận chìm chất nạo vét từ quá trình thi công xây dựng Dự án cảng biển Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn theo Quyết định số 466/QĐ-BTNMT về việc giao 600ha khu vực biển tại khu A ngoài khơi Vũng Tàu để nhận chìm bùn nạo vét.
Sở TN&MT còn tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với các khu vực đổ bùn nạo vét trên bờ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được chấp thuận cho đổ bùn nạo vét trên bờ với tổng khối lượng khoảng hơn 3 triệu m3. Hiện tại, còn 18 doanh nghiệp khác đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương được đổ bùn nạo vét trên bờ tại khu đất khoảng 60 ha sát sông Mỏ Nhát thuộc phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ với tổng khối lượng khoảng gần 3 triệu m3.
Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển và tắm biển |
Phát huy giá trị của biển
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã luôn xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp để xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành địa phương mạnh của vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; ngăn chặn xu ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực vùng ven biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển trên địa bàn tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.
Để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển đảo; phát triển văn hóa - xã hội vùng biển đảo và ven biển; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển, nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo…trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích tự nhiên là hơn 1.980 km². Trong đó, vùng ven biển và hải đảo có diện tích hơn 1.571 km², chiếm 79% diện tích toàn tỉnh. Với lợi thế về diện tích biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển, như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển và tắm biển... Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành địa phương mạnh của vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ.