Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Đền bù không thỏa đáng, ròng rã 11 năm đi khiếu nại

Tiếng dân - Ngày đăng : 15:43, 09/09/2020

(TN&MT) - Nhận đất trồng rừng theo dự án PAM 4304 từ những năm 1991, bỏ bao công sức khai hoang, phục hóa, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Hàng năm đều nộp thuế đầy đủ cho UBND phường Ba Đình. Thế nhưng khi thu hồi lại “vỡ lẽ” không phải đất phường quản lý, không được đền bù thỏa đáng.

Theo đơn trình bày của gia đình bà Đỗ Thị Chính, SN 1950, trú tại 21 Trần Hưng Đạo, tổ 5, khu 7, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn: Gia đình bà là gia đình chính sách, bà là thanh niên xung phong, chồng là ông Nguyễn Hữu Tài, thương binh (đã mất). Năm 1991, gia đình bà có làm đơn xin giao đất trồng rừng theo dự án PAM 4304, được UBND phường Ba Đình xác nhận và nhất trí với đề nghị xin giao đất.

Diện tích đất lúc đó là bãi thải của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, ngổn ngang vật liệu thải gồm: bột, viên clinke, gạch chịu lửa, nilon… với độ sâu lên tới 1,3-1,5m, không thể canh tác được. Gia đình bà đã trải qua vô vàn gian nan, vất vả dùng sức lao động cải tạo mảnh đất trên để trồng được cây bạch đàn và keo lá chàm. Năm 2003, khu đất 68.200,8m2 của gia đình đã được UBND thị xã Bỉm Sơn cấp bìa trang trại số 01/2003/GCNTT, sử dụng ổn định từ đó và nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng năm cho UBND phường Ba Đình, có biên lai thuế.

Năm 2009, UBND thị xã Bỉm Sơn cùng Ban giải phóng mặt bằng thị xã, Chủ đầu tư HUD4 thông báo và tiến hành kiểm kê hoa màu, vật kiến trúc trên đất để tiến hành giải phóng mặt bằng cho Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B, Khu công nghiệp Bỉm Sơn. Gia đình bà ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên Ban giải phóng mặt bằng thị xã Bỉm Sơn lại quy đất của gia đình bà thuộc Nông trường Hà Trung, không có sổ giao khoán nên chỉ hỗ trợ tiền đất là 30%, trong khi tất cả các giấy tờ liên quan tới thửa đất có diện tích 68.200,8m2 đều có sự xác nhận của UBND phường Ba Đình, có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ. Như vậy việc đền bù 30% giá trị đất với lý do thuộc đất Nông trường Hà Trung không có sổ giao khoán là không đúng.

Chứng nhận trang trại do UBND Thị xã Bỉm Sơn cấp

Suốt 11 năm qua, trong khi tiền hỗ trợ, đền bù chưa nhận được, diện tích đất kể trên bỏ hoang không thể canh tác, gia đình bà Chính gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi không có nghề nghiệp ổn định. Cũng từng ấy năm, gia đình bà Chính đã làm đơn gửi tới các ngành chức năng với mong muốn được hỗ trợ đền bù đúng, đủ theo quy định. Thế nhưng dù tất cả giấy tờ của gia đình đều có xác nhận của UBND phường Ba Đình, có biên lai nộp thuế đầy đủ, nhưng vẫn nhận được câu trả lời đất thuộc Nông trường Hà Trung không có sổ giao khoán nên chỉ được hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ bằng 30% giá trị bồi thường tính theo diện tích đất thực tế bị thu hồi.

Được UBND Thị xã Bỉm Sơn tặng giấy khen vì có thành tích trồng rừng theo dự án PAM 4304

Theo giấy tờ còn lưu được tại gia đình bà Đỗ Thị Chính gồm: Đơn xin  giao đất trồng rừng theo dự án PAM 4304 có xác nhận của ông Vũ Thế Tạo, Chủ tịch UBND phường Ba Đình ngày 23/4/1991; Biên lai thu thuế sử dụng đất trồng cây hàng năm, lâu năm năm 1999, 2000, 2001; Giấy khen do UBND Thị xã Bỉm Sơn tặng  ngày 26/09/1995 cho ông Nguyễn Hữu Tài đã có thành tích trồng rừng theo dự án PAM 4304  trong 3 năm 1992 - 1994 của thị xã Bỉm Sơn; Giấy chứng nhận trang trại do UBND thị xã Bỉm Sơn cấp số 01/2003/GCNTT ngày 10/03/2003. Và một số giấy tờ liên quan tới diện tích đất 68.200,8m2 đều có xác nhận của UBND phường Ba Đình qua các thời kỳ.

 

Hàng năm gia đình bà Đỗ Thị Chính đều nộp thuế đầy đủ theo quy định cho UBND phường Ba Đình

Bà Đỗ Thị Chính bức xúc nói: Mảnh đất 68.200,8m2 trước đây là bãi thải của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, gia đình tôi bỏ rất nhiều công sức cải tạo từ những năm 1987. Năm 1991, có chủ trương trồng rừng theo dự án PAM 4304 của Nhà nước, chồng tôi đã làm đơn xin giao đất trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc có xác nhận của UBND phường Ba Đình. Hàng năm, gia đình tôi đều có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ theo quy định, có giấy chứng nhận trang trại được UBND thị xã Bỉm Sơn cấp năm 2003. Tất cả các giấy tờ liên quan đều có xác nhận của chính quyền địa phương. Vậy lý do tại sao khi đền bù lại quy đất của gia đình thuộc Nông trường Hà Trung và chỉ  được hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ bằng 30% giá trị bồi thường tính theo diện tích đất thực tế bị thu hồi.

Các giấy tờ liên quan tới diện tích 68.200,8m2 đều có xác nhận của UBND phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn nhưng khi đền bù lại quy là đất Nông trường Hà Trung là lý do vì sao. Có sai là cán bộ sai chứ gia đình tôi là những người nông dân bình thường, không thể vì cán bộ làm sai giờ đền bù thiệt hại tới quyền lợi lại bắt người nông dân phải chịu? – bà Chính bức xúc nói

Bà Đỗ Thị Chính bức xúc khi các quyền lợi của gia đình đều bị chính quyền "ngó lơ"

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thủy – cán bộ địa chính phường Ba Đình cho biết: Phường vừa nhận được công văn của UBND thị xã yêu cầu xác minh nguồn gốc đất của gia đình bà Đỗ Thị Chính. Phường đang chuẩn bị tổ chức xét lại nguồn gốc đất để đền bù đúng theo quy định.

Liên quan tới hồ sơ, giấy tờ của thửa đất có diện tích 68.200,8m2 của gia đình bà Đỗ Thị Chính đều có xác nhận của UBND phường Ba Đình và UBND thị xã Bỉm Sơn, ông Thủy cho biết thời điểm đó ông chưa đảm nhận chức vụ công chức địa chính nên không nắm được.

Thiết nghĩ nguyện vọng xin được đền bù bằng tiền, mức hỗ trợ bằng 70% giá trị bồi thường tính theo diện tích đất thực tế bị thu hồi của gia đình bà Đỗ Thị Chính là hoàn toàn chính đáng. Bởi vì, gia đình bà đã bỏ ra rất nhiều công sức khai hoang, phục hóa trồng rừng theo chủ trương của Nhà nước và các giấy tờ liên quan tới diện tích 68.200,8m2 đều có xác nhận của UBND phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn. 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin!

Thanh Tâm