Lai Châu: Tạo đột phá trong công tác bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 16:42, 09/09/2020
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có bước phát triển mới, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường được nâng cao. |
Là một tỉnh miền núi, biên giới - nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Tổ quốc, sau 16 năm chia tách, thành lập, Lai Châu đã có những bước phát triển mới. Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa ban tỉnh Lai Châu đang từng bước thay đổi bởi cách làm, tư duy mới.
Hệ thống quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu được kiện toàn, tinh gọn từ cấp tỉnh đến cơ sở cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường. Theo đó, cấp tỉnh có Chi cục Bảo vệ môi trường (nay là phòng Môi trường và biến dổi khí hậu, Trung tâm Quan trắc môi trường) thuộc sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh. Cấp huyện bố trí 1 công chức phụ trách lĩnh vực môi trường. Cấp xã có cán bộ địa chính xây dựng kiêm nhiệm về môi trường.
Công tác thu gom, xử lý rác thải được đẩy mạnh. |
Nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT, trong năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường đã được tỉnh Lai Châu triển khai dưới nhiều hình thức, đề cập đến nhiều vấn đề như giáo dục pháp luật về BVMT, nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; giữ gìn nguồn nước sạch, biểu dương các tấm gương sáng về BVMT...
Ông Đỗ Văn Xiêng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cho biết: Hàng năm, Sở TN&MT thực hiện đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung về quản lý, bảo vệ môi trường theo đúng quy định, kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời. Việc đánh giá chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên hàng năm, mỗi năm thực hiện quan trắc môi trường 2 lần. Qua kết quả quan trắc môi trường năm trên địa bàn tỉnh, chất lượng môi trường sống được đảm bảo, không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không có khu vực suy thoái môi trường, không có điểm nóng về môi trường.
Công tác thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày càng chặt chẽ, thực hiện đảm bảo theo thủ tục hành chính đã ban hành của UBND tỉnh; các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn thận trọng xem xét ngay từ khâu xét chủ trương đầu tư; đã thực hiện hiệu quả kiểm soát tốt các nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu tiên.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. |
Đặc biệt, trong năm 2019, 2020, tỉnh Lai Châu đã phát động trên toàn hệ thống chính trị về công tác phòng chống rác thải nhựa, đến nay, có 41 cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh ban hành kế hoạch – cam kết chống rác thải nhựa, các địa phương tuyên truyền đến tổ chức, nhân dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp chống rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, qua đó, ý thức, nhận thức của nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nâng lên rõ rệt.
Theo ông Đỗ Văn Xiêng, để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, tỉnh Lai Châu đã tập trung một số giải pháp tạo đột phá về bảo vệ môi trường. Trong đó, đẩy mạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong công tác quản lý, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, công đồng, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường cần phải có sự đồng thuận góp sức của toàn xã hội.
Công tác bảo vệ môi trường được các cấp, ngành đẩy mạnh. Trong ảnh: Phân loại rác thải từ nguồn tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ. |
Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm dịch vụ về môi trường đối với các dự án thuộc Phụ lục III, mục II của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản về môi trường đối với các khu vực không có dịch vụ về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
Tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giải quyết vấn đề môi trường cấp thiết nhất trên địa bàn tỉnh, cụ thể là vấn đề xử lý chất thải đô thị, chất thải nông thôn. Vấn đề giám sát môi trường đối với các cơ sở phải quan trắc môi trường tự động, liên tục.