Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020

Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 09/09/2020

(TN&MT) - Trong giai đoạn 2016-2020 nhờ sự Chỉ đạo sâu sát của các ngành, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa có những bước tiến đáng kể. Kinh tế tăng trưởng mạnh, chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư được cải thiện, góp phần thu hút các nhà đầu tư. Lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao, đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 19/5/2016 củaThủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016-2020), Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 224/NQ-HDND, ngày 12/12/2019 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, phong trào thi đua phát triển kinh tế - văn hóa xã hội giai đoạn 2015-2020 của cả tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả tích cực.

Kinh tế tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân giai đọan 2016 - 2020 dự kiến đạt 12,5%/năm, vượt mục tiêu Đại hội (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đọan 2011 - 2015. Quy mô GRDT của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 133.8 16 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015. Quy mô kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tăng dần tỉ trọng các ngành dịch vụ cao cấp, có giá trị gia tăng cao.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng đột phá, bình quân hàng năm dự kiến tăng trưởng 21,2%, vượt kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020 dự kiến tăng 151.300 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước); triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đọan tới. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực có tốc độ tăng trưởng cao.

Khu kinh tế Nghi Sơn là trọng điểm trong phát triển kinh tế của Thanh Hóa

Huy động được nguồn lực cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, thu - chi ngân sách đạt kế hoạch, cơ bản đảm bảo cân đối ngân sách, phục vụ nhiệm vụ phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện ngân sách quốc gia. Tốc độ tăng thu bình quân hàng năm dự kiến đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 dự kiến đạt 28,967 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; rà soát, bổ sung các quy hoạch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, từng bước tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Đồng thời, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; hàng năm tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở  các nước có nguồn lực đầu tư lớn; năm 2017 tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia. Bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn  đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 13 dự án ODA, với tổng số vốn đầu tư 393,6 triệu USD; 226 chương trình, dự án NGO, với tổng vốn đầu tư 30,3 triệu USD.

Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 nghìn tỷ đồng. Đạt mục tiêu Đại hội XVIII, gấp 1,8 lần giai đọan 2011 - 2015. Hiệu quả vốn đầu tư được nâng lên rõ rệt, chỉ số ICOR từ 14,85 (năm 2015) giảm còn 4,88 (năm 2019). Nhiều dự án sản xuất kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng quy mô lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020 kinh tế tỉnh Thanh Hóa có bước tăng trưởng đột phá, chuyển dịch theo hướng tích cực

Thị trường lao động tiếp tục phát triển; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng nhanh lao động qua đào tạo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đào tạo, cung ứng cho thị trường 410.600 lao động, vượt 3,7% kế hoạch, trong đó các cơ sở giáo dục đại học đào tạo được 18.000 người, các cơ sở giáo dục nghề đào tạo 392.600 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 dự kiến lên 70% năm 2020, đạt kế hoạch.

Thanh Tâm