Nhiều địa phương chậm giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc - Nam

Xã hội - Ngày đăng : 14:34, 09/09/2020

(TN&MT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điểm danh 6 địa phương hiện đạt tỷ lệ giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc – Nam dưới 90%. Nhiều tỉnh chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Lo ngại không hoàn thành GPMB trong quý III/2020

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, đến nay, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 594,4 km/652,77km (đạt 91,1%), dự kiến cơ bản hoàn thành công tác GPMB trong quý III/2020.

Bộ GTVT đánh giá, dự án đi qua nhiều địa phương (13 tỉnh, thành), phạm vi GPMB lớn nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.

Nhiều địa phương chậm giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc Nam

Hiện dự án đã bàn giao mặt bằng được 91,1%. Tuy nhiên, đối với khối lượng còn lại, nếu không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể cơ bản hoàn thành công tác GPMB trong quý III/2020.

Cũng theo Bộ GTVT, công tác xây dựng các khu tái định cư (TĐC) của các địa phương cũng chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu, hiện mới đạt khoảng 44% khối lượng. Trong đó, một số địa phương thực hiện công tác này chậm, gồm: Nam Định (có 1 khu TĐC, chưa hoàn thành); Ninh Bình (hoàn thành 1/5 khu); Nghệ An (có 28 khu TĐC, chưa hoàn thành); Hà Tĩnh (có 2 khu TĐC, chưa hoàn thành); Khánh Hòa (có 7 khu TĐC, chưa hoàn thành); Ninh Thuận (có 2 khu TĐC, chưa hoàn thành); Đồng Nai (có 3 khu TĐC, chưa hoàn thành); Tiền Giang (có 1 khu TĐC, chưa hoàn thành).

Theo thống kê của Bộ GTVT, các địa phương hoàn thành GPMB đạt trên 95% gồm: Quảng Trị (100%), Thừa Thiên Huế (97,4%), Ninh Thuận (96,7%), Bình Thuận (95,4%), Vĩnh Long (100%).

Các địa phương hoàn thành GPMB đạt dưới 90% là: Ninh Bình (89,6%), Thanh Hóa (89,4%), Nghệ An (87%), Hà Tĩnh (82,3%), Khánh Hòa (73%), Đồng Nai (85,7%).

Liên quan đến công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, Bộ GTVT cho biết, hiện mới đạt khoảng 9% khối lượng và không thể hoàn thành trong quý III/2020. Cụ thể, đến nay mới có tỉnh Quảng Trị đã di dời 87,5% đường điện và 100% đường cáp quang. Các địa phương còn lại khối lượng hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đạt dưới 50%, gồm: Ninh Thuận (đã di dời 27,6% đường điện và 33,3% đường nước); Ninh Bình (đã di dời 14,3% đường điện chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác).

Tỉnh Thanh Hóa (đã di dời 11,9% đường điện và 14% đường cáp quang); Tiền Giang (đã di dời 50% đường nước và cáp quang, chưa di dời đường điện). Đặc biệt, các địa phương, gồm: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Kiên quyết để “khơi thông” mặt bằng

Đánh giá về công tác giải phóng mặt bằng nói chung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đặc thù của ngành giao thông nếu không có mặt bằng thì không triển khai được; tuy nhiên, mặt bằng lại do UBND các địa phương thực hiện. Bộ GTVT đã tăng cường phối hợp với các địa phương, mời UBND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đơn vị liên quan của tỉnh cùng làm việc với ngành GTVT.

Theo đó, nếu địa phương chậm GPMB sẽ cắt nguồn vốn của dự án trên địa bàn địa phương đó cho những địa phương khác. Điều này cho thấy, Bộ GTVT rất kiên quyết, nếu địa phương không tạo điều kiện cho công tác GPMB thì dự án trên địa bàn của địa phương sẽ không phát huy tác dụng và trở thành điểm nghẽn bức xúc ở chính địa phương.

 “Bộ GTVT cũng gửi thông điệp tới các địa phương, nếu không hỗ trợ công tác GPMB trong năm nay và trong những dự án mà Bộ GTVT đang triển khai Bộ GTVT sẽ cương quyết không tham mưu Chính phủ bố trí vốn cho những dự án trên địa bàn tỉnh đó, để Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh ý thức được trách nhiệm đồng hành cùng Bộ GTVT hoàn thành những dự án trọng điểm quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế nhấn mạnh.

Nhờ đó, thời gian qua các địa phương đã hỗ trợ thiết thực cho ngành GTVT. Song, dự án của ngành GTVT rất nhiều nên cũng có nhiều dự án tiến độ chậm do địa phương không quyết liệt.

Thông tin thêm về tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, thời gian qua, khi Quốc hội đồng ý chuyển 3 dự án thành phần phía Đông của tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, Bộ đã kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết giao Bộ GTVT tổ chức thực hiện dự án này.

Qua hơn 2 tháng triển khai, toàn bộ hồ sơ thiết kế, dự toán, mời thầu của 3 dự án đã được phê duyệt. Ngày 7/8/2020, Bộ GTVT chính thức bán hồ sơ mời thầu cho 3 dự án này với 13 gói thầu. Theo Luật, nhà thầu thực hiện việc làm hồ sơ trong vòng 20 ngày kết hợp với một số điều chỉnh và sẽ chính thức mở thầu toàn bộ 13 gói thầu vào ngày 4/9/2020. Bộ GTVT sẽ cố gắng khởi công 3-4 gói thầu trong cuối tháng 9/2020.

Tuyết Chinh