Điện Biên: Hiệu quả quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

Môi trường - Ngày đăng : 12:03, 08/09/2020

(TN&MT) - Những năm qua, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên các lâm phần được giao, việc quản lý còn được thực hiện thông qua hình thức giao khoán cho các nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn/bản ở vùng đệm đã góp phần hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Trên 39.000 ha rừng tự nhiên ở Điện Biên được giao khoán cho hơn 4.000 nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân, của 80 cộng đồng dân cư thôn/bản vùng đệm.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức; Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay gồm: Ban quản lý KBTTN Mường Nhé, Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, các Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà, Điện Biên, Tuần Giáo, ngoài việc các đơn vị trên chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên các lâm phần được giao, việc đồng quản lý được thực hiện thông qua hình thức giao khoán cho hơn 4.000 nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân, của 80 cộng đồng dân cư thôn/bản vùng đệm, với tổng diện tích rừng tự nhiên trên 39.000 ha.

Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng người dân sinh sống ở vùng đệm của các khu rừng phòng hộ, đặc dụng được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên 39 tỷ đồng với số tiền công bao gồm tiền chi trả của năm 2018 và tiền công tạm ứng của các lâm phần thuộc Sông Đà năm 2019 là trên 14 tỷ đồng (tiền tạm ứng), cho các hộ gia đình, cá nhân đã có thêm nguồn thu nhập ổn định để từng bước cải thiện cuộc sống.

Trong những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tiến hành giám sát và đánh giá việc quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các đối tượng nhận khoán cho thấy việc giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn/bản của các chủ rừng là tổ chức Nhà nước (các Ban quản lý rừng) được sử dụng có hiệu quả và thiết thực hơn, cụ thể 42 cộng đồng dân cư thôn/bản, nhóm hộ có nhận khoán bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé năm 2018, sau khi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã sử dụng chi công trực tiếp cho tổ bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình và đóng góp một phần kinh phí cho xây dựng nông thôn mới, các công trình phúc lợi như làm đường giao thông nông thôn, mua sắm thêm bàn ghế, loa đài cho nhà văn hóa, sân chơi thể thao cho cộng đồng….

Tiền dịch vụ môi trường rừng được cộng đồng dân cư thôn/bản sử dụng hiệu quả, người dân đồng thuận, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở và mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Mào Văn Theo, trưởng bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Từ khi được Ban quản lý KBTTN Mường Nhé giao cho cộng đồng bản quản lý lâm phần rừng đặc dụng theo hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng, mọi người dân trong bản đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm trong cộng đồng bản hơn. Cộng đồng bản Phiêng Kham chúng tôi bảo vệ 226,14 ha thuộc tiểu khu 149, khoảnh 12, thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Trong năm 2019 bản Phiêng Kham chúng tôi được nhận hơn 100 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, số tiền này chúng tôi đã họp và thống nhất chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng và một phần đóng góp để sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, đổ bê tông đường giao thông của thôn bà con trong bản ai cũng phấn khởi, đồng lòng nhất trí.

Có thể thấy, tiền dịch vụ môi trường rừng được cộng đồng dân cư thôn/bản sử dụng hiệu quả, người dân đồng thuận, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở và mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong thời gian tới các chủ rừng, Uỷ ban nhân dân cấp xã cần quan tâm, nhân rộng các mô hình quản lý bảo vệ rừng thông qua cộng đồng dân cư thôn/bản để công tác bảo vệ rừng và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Trần Sơn