Không khí sạch - Trách nhiệm chung: Phải truy tận gốc nguồn phát thải

Môi trường - Ngày đăng : 10:43, 08/09/2020

(TN&MT) - Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng vẫn phải nói, bởi tác động trực tiếp của nó đến sức khỏe con người và những chuyển động vẫn chưa thực sự quyết liệt từ phía cơ quan quản lý cùng sự thay đổi hành vi, ý thức của người dân.

Suốt 10 năm, chất lượng không khí không thấy được cải thiện

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Cải thiện chất lượng không khí - cập nhật nghiên cứu và giải pháp ở Việt Nam”, do Tổng cục Môi trường tổ chức vào chiều ngày 7/9, các nhà khoa học đã cho biết những nghiên cứu mới nhất về vấn đề này.

Theo đánh giá của PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo dõi diễn biến chất lượng không khí của Hà Nội từ năm 2000 - 2020, vẫn không thấy được cải thiện. Nồng độ bụi PM10 hầu hết vượt nồng độ trung bình (TB) ngày của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 05 vào mùa khô, PM 2.5 vượt nồng độ TB năm của QCVN 05. Nồng độ bụi, đặc biệt PM2.5 và PM0.1 (bụi nano) cao hơn nhiều do với nhiều khu vực khác trên thế giới.  NO2 tiệm cận hoặc vượt nồng độ TB năm của QCVN 05 ở khu vực nội thành. O3 có dấu hiệu vượt ngưỡng TB giờ của QCVN 05 (Ví dụ, nă 2013, ở trạm Nguyễn Văn Cừ, vượt 11,1%).

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường

Còn theo nghiên cứu xác định nguồn phát thải ở Hà Nội do Ngân hàng thế giới thực hiện từ tháng 8/2019 đến nay, kết quả cho thấy, trong tháng 8 - 9, nhiều mưa, bụi PM2.5 ít hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tăng cao trong các tháng 12 đến tháng 1 (có thể từ hoạt động đốt rơm rạ hoặc đốt sinh khối có hàm lượng các-bon hữu cơ cao).

Đáng lưu ý, Ngân hàng Thế giới còn phát hiện có chì và kẽm vượt trên giới hạn cho phép vào một số ngày tại trạm giao thông. “Nồng độ chì cao ở những nơi này cho thấy có việc sử dụng xăng có chì, nồng độ kẽm cao còn có thể do sự tái phát thải của đất, bụi đường, các nguồn khác như nguồn công nghiệp”, đại diện WB đưa ra nhận định.

Từ việc chạy mô hình PMF kết hợp với số liệu từ các trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho rằng, có 6 nguồn thải có thể tính tới, đó là: Nguồn thứ cấp/di chuyển từ xa về; công nghiệp/năng lượng; đốt sinh khối; bụi đất; bụi do giao thông kéo theo; công nghiệp/đốt rác/làng nghề.

Nhấn mạnh đến tác động của giao thông đến chất lượng không khí đô thị, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng khẳng định: “Giao thông cơ giới là một nguồn chính phát thải bụi (và có thể cả VOCs - hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay trong không khí). Cơ sở của nhận định này là kết quả nghiên cứu xe máy đóng góp hơn 90% phát thải VOCs. Các chất ô nhiễm như bụi, No2, O3 đều có nguồn chính từ giao thông.

Phải hành động để giảm đỉnh ô nhiễm

Để hạn chế ô nhiễm không khí, các giải pháp tiếp tục được các chuyên gia đề xuất. Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, cần khẩn trương xác định các nguồn chính phát thải các chất ô nhiễm dạng khí, kể cả bụi với chương trình dài hạn hơn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng dự báo chất lượng không khí, kết hợp với dự báo khí tượng để chủ động đối phó với các episodes về ô nhiễm không khí. Cơ quan chức năng cũng cần công khai số liệu của các trạm quan trắc chất lượng không khí; xử lý số liệu của các trạm để thu thông tin phục vụ quản lý chất lượng không khí.

Cùng với đó, cần xây dựng bộ số phát thải quốc gia cho các nguồn thải chính, ưu tiên nguồn động đô thị. “Phải hành động sớm để giảm đỉnh ô nhiễm”, ông Dũng nói.

Riêng đối với giao thông, ông Dũng kiến nghị, cần quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông hợp lý, thay đổi thói quen đi lại của người dân như sử dụng phương tiện công cộng, quản lý giờ cao điểm. Việc kiểm soát nguồn thải có thể được thực hiện qua việc kiểm soát động cơ, chuyển đổi nhiên liệu, kiểm soát khí thải.

“Thông tin về chỉ số quan trắc chất lượng môi trường không khí tại các địa phương trong cả nước đã được công khai, chia sẻ tới người dân qua phần mềm Envisoft. Bộ TN&MT cũng đã xây dựng xong và trình Thủ tướng Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, sắp tới sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành, là công cụ pháp lý quan trọng để cải thiện chất lượng không khí tích cực, hiệu quả”.

Ông Hoàng Văn Thức -

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường

Còn ông Zbigniew Klimont - Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống ứng dụng đề xuất, trước tình hình ô nhiễm bụi PM2.5 vẫn vượt tiêu chuẩn quốc gia trên một vùng rộng lớn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thu thập và báo cáo số liệu một cách thống nhất, minh bạch hóa và công khai các dự báo về kinh tế, năng lượng giữa các ngành. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược quan trắc không khí, củng cố quy định pháp luật trong vấn đề này.

“Về mặt pháp luật, nên chăng Việt Nam xây dựng thực thi Đạo luật không khí sạch? Thành lập cơ quan chuyên trách về chất lượng không khí? Kiểm soát nguồn thải theo ngành chủ quản, địa phương phụ trách; xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc chất lượng không khí xung quanh và trong nhà…” – GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Đại học Khoa học Tự nhiên gợi mở.

Tống Minh