Dữ liệu địa chất công trình ven biển: Cơ sở thiết yếu để quy hoạch sử dụng lãnh thổ
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 10:42, 08/09/2020
Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng, cần thiết cho các địa phương, các ngành liên quan phục vụ việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng lãnh thổ hợp lý, hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết: Mặc dù, gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thời tiết biển xấu, nhưng các đơn vị thực hiện Dự án đã có nhiều cố gắng khắc phục, triển khai các hạng mục công tác đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu; đến nay, đã hoàn thành trên 70% khối lượng – giá trị công việc. Dự kiến, Dự án kết thúc thi công thực địa vào tháng 10/2020; công tác văn phòng, nghiệm thu tháng 11, 12/2020.
Kết quả thực hiện Dự án cho thấy, vùng ven biển Việt Nam có đặc điểm cấu trúc địa chất khá phức tạp, chịu ảnh hưởng mạnh của hoạt động tân kiến tạo; nhiều khu vực điều kiện địa chất công trình xung yếu. Đới ven biển là nơi chuyển tiếp giữa lục địa và biển, luôn chịu tác động tương tác giữa quá trình lục địa chủ yếu là sông và sóng, dòng chảy, thủy triều của biển, cũng là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ, thiên tai và tác động của BĐKH và nước biển dâng, nên rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đã nghiên cứu, cải tiến và chế tạo thành công giàn khoan biển GKB.02 và bắt đầu hạ thủy từ tháng 7/2020 |
Dự án bước đầu đã khoanh định được các khu vực kém ổn định về ĐCCT, sơ bộ phân vùng ĐCCT. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng, cần thiết cho các địa phương, các ngành liên quan phục vụ việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng lãnh thổ hợp lý, hiệu quả, cũng như định hướng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện ĐCCT từng khu vực đảm bảo phát triển bền vững kinh tế vùng ven biển, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế biển, đảo.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc cấp kinh phí chậm so với tiến độ thi công được phê duyệt. Theo Quyết định phê duyệt, Dự án thực hiện từ năm 2016 – 2020, nhưng đến nay, hết năm 2020 mới cấp kinh phí được 48,5% tổng dự toán. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cho giãn tiến độ thực hiện Dự án đến năm 2023; đồng thời tiếp tục cân đối ngân sách để có thể cấp đủ vốn thực hiện Dự án, đảm bảo hoàn thành năm 2023.
Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu công tác địa chất, năm 2020, Liên đoàn đề nghị bổ sung kinh phí để thực hiện công tác đo địa chất khúc xạ khu vực Thái Bình - Nam Định và Thanh Hóa - Nghệ An; cụ thể chuyển 6,5 tỷ đồng từ Dự án Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam sang Dự án này.
“Công tác thi công khoan máy trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiết bị (giàn khoan) còn hạn chế; điều kiện thi công phức tạp chịu tác động mạnh của sóng biển; địa hình và trầm tích đáy biển nhiều khu vực bùn dày, nên tiến độ thi công chậm, chi phí tăng cao. Mặt khác, trầm tích Đệ tứ trong khu vực thi công tương đối ổn định. Vì vậy, đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT cho phép điều chỉnh hợp lý vị trí, chiều sâu một số lỗ khoan” – Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Bùi Vĩnh Kiên đánh giá cao vai trò quan trọng của Dự án này. “Đây là dự án kết hợp cấu trúc địa chất và cấu trúc công trìnhrất hiệu quả, thiết thực, có ý nghĩa không chỉ về mặt chuyên môn mà còn có vai trò quan trọng cho các tỉnh dọc ven biển”.
Dự án 47 - ĐCCT là dự án thuộc Đề án tổng thể điều tra về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006; Bộ TN&MT phê duyệt khối lượng và dự toán tại Quyết định số 384/QĐ-BTNMT ngày 24/2/2016. Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển là đơn vị được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) giao thực hiện Dự án 47 - ĐCCT. Dự án thực hiện trên phạm vi dải ven bờ biển Việt Nam bao gồm phần đất liền ven biển (từ bờ biển vào 10 km) và phần biển ven bờ (từ bờ biển đến độ sâu 20 m nước). Diện tích điều tra, nghiên cứu là 65.000 km2.