Tập trung kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất: Cần dồn lực kiểm kê các loại đất

Đất đai - Ngày đăng : 10:42, 08/09/2020

(TN&MT) - Việc kiểm kê đất đai định kỳ năm 2019 được thực hiện theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Đây là kỳ kiểm kê đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và việc đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai hiện nay, làm cơ sở cho rà soát hoàn thiện Luật Đất đai và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 đã yêu cầu công tác kiểm kê đất đai năm 2019 phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác và hoàn thành, báo cáo kết quả đúng thời gian (cấp xã báo cáo trước 16/1/2020; cấp huyện trước 1/3/2020; cấp tỉnh và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trước ngày 16/4/2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành tổng hợp, công bố và báo cáo kết quả của cả nước trước ngày 16/6/2020). Theo quy định của Luật Đất đai và Chỉ thị số số 15/CT-TTg, việc kiểm kê đất đai định kỳ là trách nhiệm của UBND các cấp xã, huyện, tỉnh và các Bộ, ngành liên quan và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 - 2020.

Để hỗ trợ các địa phương thực hiện bảo đảm yêu cầu trên đây, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm kỳ kiểm kê đất đai năm 2014, Tổng cục Quản lý đất đai ngoài việc hoàn thiện quy định về nội dung, phương pháp kiểm kê đất đai (theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT), còn hoàn thiện phần mềm kiểm kê đất đai và nâng cấp hạ tầng hệ thống thông tin để cung cấp và bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các địa phương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc tính toán, tổng hợp, quản lý số liệu kiểm kê đất đai. Thực tế, đã được nhiều địa phương phản ánh trong quá trình thực hiện là rất hiệu quả, tiện lợi, cơ bản đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong các kỳ kiểm kê đất đai trước đây.

Kiểm kê đất đai có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Hoàng Minh

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đến ngày 15/8/2020, việc thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019 ở phần lớn các địa phương đều thực hiện chậm, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ nhận được kết quả kiểm kê chính thức của 10 tỉnh gồm: Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, An Giang. Ngoài ra, có 3 tỉnh đã hoàn thành đang trình UBND tỉnh phê duyệt gồm: Vĩnh Phúc, Bình Phước, Cà Mau.

Kết quả kiểm tra thực tế của Tổng cục Quản lý đất đai tại một số địa phương cho thấy một số địa phương vẫn còn đang thực hiện ở các cấp xã, huyện. Nguyên nhân chậm, ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở Việt Nam do yêu cầu giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan dịch bệnh; còn do quy định về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) còn chưa rõ ràng, thiếu các hướng dẫn cụ thể việc áp dụng trong lĩnh vực quản lý đất đai, dẫn đến các địa phương còn hiểu chưa thống nhất và lúng túng trong việc áp dụng để tuyển chọn đơn vị tư vấn thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019.

Song nguyên nhân chậm chủ yếu vẫn là do chủ quan của Lãnh đạo UBND các cấp chưa coi việc kiểm kê đất đai là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện và hoàn thành trong năm 2019 - 2020, đã thiếu quan tâm, không quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, chậm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, dẫn đến việc triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch. Minh chứng cho điều này là có nhiều 10 tỉnh rất khó khăn về ngân sách nhưng đã hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019 như: Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Ninh Thuận, Trà Vinh,…

Việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ và chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai giai đoạn 2021 - 2025.

Để khắc phục vấn đề này, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại tình hình, tiến độ thực hiện và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh hoàn thành và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sớm nhất.

Tổng cục Quản lý đất đai cần tăng cường kiểm tra, đánh giá sát tình hình thực hiện, nhất là các tỉnh chậm, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ để phê bình, chỉ đạo kịp thời thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ kiểm kê đất đai trong năm nay.

Trần Hùng Phi