Thừa Thiên Huế: Trồng rừng thay thế hơn 1.200 hecta

Tài nguyên - Ngày đăng : 06:42, 08/09/2020

(TN&MT) - Đến nay Thừa Thiên Huế đã bố trí trồng 1.253,7 hecta, gồm 1.119,5 ha rừng phòng hộ và 134,2 ha rừng đặc dụng.

Trồng rừng thay thế là việc trồng lại rừng với diện tích tối thiểu bằng diện tích rừng đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp, nhằm bảo đảm diện tích đất có rừng không giảm, góp phần chống biến đổi khí hậu, giảm lũ lụt và xói mòn đất, điều tiết nguồn nước; đồng thời để các chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định.

Hoạt động trồng rừng thay thế tại tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu thực hiện trong những năm vừa qua, đến nay đã bố trí trồng 1.253,7 hecta, gồm 1.119,5 hecta rừng phòng hộ và 134,2 hecta rừng đặc dụng. Rừng thay thế chủ yếu được bố trí trồng tại các vị trí xung yếu, có yêu cầu phòng hộ cao như khu vực xung quanh lòng hồ thủy lợi Tả Trạch, lòng hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, núi Kim Phụng, tuyến đường 71…

Rừng trồng thay thế ở hồ Tả Trạch phát triển tốt, trong ảnh là cây Lim xanh

Ghi nhận của PV ở công trình rừng trồng thay thế xung quanh lòng hồ thủy lợi Tả Trạch cho thấy, hiện nay chủ đầu tư đã trồng được hơn 240 hecta rừng với các loài cây chính là Lim xanh, Sao đen, Dầu rái. Mặc dù mới trồng hơn 1 năm, nhưng cây trồng phát triển rất tốt, chiều cao cây bình quân gần 2 m, chất lượng rừng rất tốt. Ngoài ra, việc hình thành các khu rừng sẽ góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất xung quanh lòng hồ. Đồng thời hình thành nên các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng và diện tích rừng trồng thay thế trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị tiến hành theo dõi, giám sát, bảo vệ tốt diện tích trồng rừng thay thế, bảo đảm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc rừng để diện tích đã trồng rừng thay thế thành rừng. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành trồng tất cả diện tích rừng còn lại trong năm 2020. Từ đó, từng bước phục hồi lại những khu rừng bản địa rộng lớn.

Văn Dinh