Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020

Trong nước - Ngày đăng : 20:12, 04/09/2020

(TN&MT) - Chiều 4/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020.

Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 8/2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020; đánh giá bước đầu về tình hình KTXH năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và một số nội dung khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020

Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19 rất thành công. Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Trong bối cảnh, nhiều quốc gia trên hế giới tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp nhưng Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định. CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23% chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp chưa giải quyết được thị trường đầu ra. Dự trữ ngoại hối tăng.

Thu ngân sách Nhà nước đạt không cao, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 7/2020, đã thực hiện chi gần 88 nghìn tỷ đồng (ngoài dự toán NSNN năm 2020) để hỗ trợ chính sách, trong đó miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 71,9 nghìn tỷ đồng; chi khoảng 15,8 nghìn tỷ đồng từ NSNN cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%); cao nhất giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, tổ chức 7 đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ phân loại dự án, tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc…

Công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng, song chúng ta đã thu hút được 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, nguồn cung thịt lợn tăng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000-83.000 đồng/kg, giảm 15.000-18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Một điểm sáng của ngành nông nghiệp là nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Đặc biệt đã xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%...

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Kéo theo đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước). Tính chung 8 tháng, giảm 0,02%.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm hiệu quả, khách quan, công bằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. 06/6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 tại Indonesia đều đạt giải cao; trong đó có 01 huy chương vàng, 04 huy chương bạc và 01 huy chương đồng.

Các lĩnh vực xã hội được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện. Đời sống người dân được bảo đảm; thiếu đói không phát sinh trên phạm vi cả nước (có 16.500 lượt thiếu đói, 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói; giảm 75,3% về số lượt hộ và giảm 75,4% về số lượt nhân khẩu). Tai nạn giao thông tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả, giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giảm 12,4%, số người chết giảm 14,8%, số người bị thương giảm 15,2%). Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm, gây bức xúc trong nhân dân. Thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 4 nghìn tỷ đồng.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Chúng ta chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế trong nước; nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Trong giai đoạn này, Thủ tướng chỉ đạo chú trọng củng cố trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển KTXH. Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên có tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, nhưng cũng không cách ly, giãn cách rộng một cách không cần thiết, khiến người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập trong thời gian tới; chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế, tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Khương Trung