Thẻ thấu chi nông nghiệp: Tín dụng đen "khóc ròng"

Kinh tế - Ngày đăng : 13:15, 04/09/2020

(TN&MT) - Cách đây 3 - 4 năm, tình trạng nông dân trên địa bàn mất đất, mất vườn vì tín dụng "đen" không hiếm tại địa bàn nông thôn. Nay, với thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank, tình trạng “vay nóng” không còn… đất diễn, tín dụng đen cũng "khóc ròng".

Hết lo tiền giả, tín dụng đen không còn đất diễn

Đã nhiều mùa vụ nay, anh Võ Thanh Toán, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Lagi, Bình Thuận không còn căng thẳng kiểm đếm tiền, thu nợ mỗi vụ xuất bán vật tư cho bà con nhờ chiếc máy POS do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) trang bị.

Anh Toán cho biết, trước đây bà con nông dân muốn mua vật tư nông nghiệp phải đi vay mượn khắp nơi thậm chí là vay nóng, hoặc mua hàng ký nợ. Đến cuối mùa vụ thu hoạch mới có tiền để trả. Nhiều khi công nợ quá cao, cửa hàng anh Toán cũng không kịp xoay sở để thanh toán đúng hạn cho nhà cung cấp.

Ngặt một nỗi, mỗi khi không thanh toán kịp thời, lần nhập hàng tiếp theo, cửa hàng vật tư của gia đình anh sẽ không được hưởng ưu đãi tối đa về giá từ phía nhà cung cấp. Vô hình chung, vật tư hàng hóa anh Toán nhập về sẽ bị "đội" giá, giá bán tới tay người nông dân cũng đắt đỏ hơn.

Anh Võ Thanh Toán, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Lagi, Bình Thuận có sử dụng POS thanh toán của Agribank

Bài toán này của anh Toán tưởng chừng không có lời giải. Ấy vậy mà, kể từ khi có thẻ thấu chi của Agribank cấp cho bà con nông dân, áp lực về tài chính của cửa hàng anh cũng đỡ đi rất nhiều. "Chưa kể, việc thanh toán qua POS, không những tiết kiệm được thời gian trong khâu kiểm đếm tiền mặt mà tôi còn yên tâm không lo nhận tiền thừa thiếu, tiền giả.

Mặt khác, tiền được chuyển kịp thời vào tài khoản nên rất dễ theo dõi và tiện cho việc kiểm soát doanh số bán hàng. Hình thức thanh toán này, thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh của gia đình cũng như tạo cho khách hàng thêm kênh thanh toán tiện ích", anh Toán phân tích.

Đối với người nông dân, theo anh Toán, chỉ cần sở hữu thẻ thấu chi nông nghiệp này, bà con nông dân đến mua hàng có thể quẹt thẻ là được nhận hàng mà không cần phải ký nợ hay phải đau đầu đi mượn tiền, vay "nóng" như trước đây. Rõ ràng, tiện cả đôi đường.

Bà con nông dân mua vật tư nông nghiệp không còn phải đâu đầu vì "vay nóng"

Anh Toán lợi 1 thì người nông dân còn mừng hơn gấp nhiều lần. Bởi chỉ cần sở hữu chiếc thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank, những chi phí lo toan hàng ngày từ tiền vật tư nông nghiệp, thanh toán tiền điện, nước… đều có thể xử lý dễ dàng.

Là một trong những nông dân đã sử dụng thẻ thấu chi của Agribank, anh Nguyễn Công Bằng, nông dân xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) hồ hởi chia sẻ, "Thực sự, tôi chẳng nghĩ có ngày nông dân như chúng tôi được cầm thẻ thấu chi ra đại lý mua hàng. Trước nay tôi nghĩ thẻ thấu chi chỉ dành cho cán bộ, công chức hay những công nhân có thu nhập thường xuyên, ổn định chứ ai nghĩ nông dân cũng có cơ hội này. Đây là điều "lạ" tôi thấy từ trước đến nay".

Còn "lạ" hơn nữa, theo anh Bằng chính là chiếc thẻ này "nhỏ nhưng… có võ". Anh Bằng nói: "Nông dân chúng tôi thấy đất rộng, lúa nhiều đấy, nhưng nói thật là anh nào mà ngày có trong túi đôi ba trăm nghìn đã được coi là nhà giàu rồi đó. Không có đâu! Tất cả chỉ trông vào ngày mùa, có lúa thu về thì mới có tiền, trong khi nhu cầu phát sinh thì thì rất nhiều. Từ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, đến các sinh hoạt hàng ngày. Chưa kể con cái học hành hay người thân ốm đau đều phải cần đến tiền…

Anh Nguyễn Công Bằng, nông dân xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) mua vật tư nông nghiệp bằng thẻ thấu chi Agribank

Những lúc như vậy, phải chạy đi vay tiền bên ngoài, hoặc chạy ra đại lý ký nợ. Vay nóng thì lãi suất lên tới cả chục phần trăm 1 tháng, nếu mua vật tư ký nợ, lãi suất ít cũng phải 2%/tháng, tức là 24%/năm. Khó chồng thêm khó. Kể từ khi dùng thẻ thấu chi nông nghiệp đỡ nhiều lắm! Có thẻ cũng là có tiền".

Cũng nhờ có thẻ thấu chi nông nghiệp, anh Mai Văn Thanh tại xã Đức Lập Hạ, Thị trấn Đức Hoà (Long An) cũng chính thức nói "không" với các món vay nóng (tín dụng đen). Anh Thanh cho biết, bao nhiêu vốn liếng của gia đình và nguồn vốn vay từ ngân hàng đều dồn hết vào đầu tư cho vườn rau củ quả. Cũng chính vì vậy, có những thời điểm, anh Thanh phải đi "vay nóng" với lãi suất 5%/tháng (tương ứng 60%/năm) với các khoản chi phí phát sinh trong cuộc sống sinh hoạt cũng như các khoản chi phí cho vật tư nông nghiệp.

"Lãi suất cao như vậy, trồng rau củ quả thôi làm sao gánh nổi! Nhưng từ ngày được giới thiệu và sử dụng thẻ thấu chi của Agribank, tôi chủ động hơn trong việc thanh toán các khoản chi phí như mua giống, mua thức ăn chăn nuôi, mua phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc vườn cây cà phê, thanh toán tiền điện, tiền điện thoại…và cũng không còn phải vay ngoài lãi suất cao. Thẻ tốt như vậy, tôi muốn giới thiệu có thật nhiều bà con cùng sử dụng", anh Thanh vui vẻ nói.

Tham vọng kép của Agribank

Thẻ thấu chi cho bà con nông dân với hạn mức 30 triệu đồng/thẻ là một trong những sản phẩm mới nhất của Agribank với mục tiêu góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ, kênh thanh toán ngân hàng điện tử, đồng thời tăng cường tín dụng lành mạnh, góp phần đầy lùi tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.

Đến nay, sau 8 tháng triển khai trên phạm vi rộng khắp 63 tỉnh, thành phố toàn quốc với nhiều đặc thù khác biệt, nhưng với nỗ lực của toàn hệ thống đặc biệt là trong công tác truyền thông, Đề án đã bước đầu phát huy hiệu quả với kết quả cụ thể: Số lượng thẻ phát hành gần 75.500 thẻ và gần 1.732 POS được lắp đặt mới, hạn mức thấu chi đã cấp trên 300 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đạt gần 214 tỷ đồng.

Lãnh đạo chính quyền tại nhiều địa phương đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của đề án thẻ thấu chi dành cho nông dân dù mới chỉ được thí điểm triển khai trong thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (Long An) cho biết, nhờ có thẻ thấu chi giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị... đã. Từ đó, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. "Cách đây 3-4 năm, tình trạng nông dân trên địa bàn mất đất, mất vườn vì tín dụng "đen" không hiếm. Nhờ có vốn và đặc biệt là sản phẩm thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank, tình trạng này đến nay không còn xuất hiện", ông Nhiều nhấn mạnh.

Thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen tại vùng nông thôn

Là một trong những Chi nhánh được giao nhiệm vụ thí điểm đề án thẻ nông nghiệp, đến nay, Agribank Long An đã phát hành trên 3.500 thẻ thấu chi, đạt 70% kế hoạch phát hành đến 30/9/2020 là 5.000 thẻ. Agribank Long An cũng đã đặt 82 máy POS tại tất cả các huyện, thị trong tỉnh, đồng thời đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ, tạo điều kiện để liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ giúp mở rộng thị trường, thị phần thanh toán thẻ của Agribank tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank Chi nhánh Long An nhìn nhận, phát hành thẻ thấu chi nông nghiệp là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam, phát triển tín dụng tiêu dùng cho phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen. Đến này, đề án đã bước đầu phát huy được hiệu quả với lợi thế rõ rệt về chính sách hỗ trợ sâu, rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, thủ tục đơn giản, linh hoạt.

Đề án tiếp tục khẳng định vai trò của Agribank trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, là người bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân. Trong thời gian tới, Agribank Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành thẻ, đồng thời tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS để đáp ứng nhu cầu và mang lại sự thuận tiện và lợi ích cao nhất cho khách hàng.

Đồng thời xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ. Qua đó giúp mở rộng thị trường, thị phần thanh toán thẻ của Agribank tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, góp phần thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn, đồng thời tăng nguồn thu phí dịch vụ cho Agribank.

Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thuận ông Huỳnh Tấn Nam cũng thừa nhận, việc triển khai đề án thẻ nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đặc biệt là các tổ chức Hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, qua các tổ vay vốn phối hợp với ngân hàng tuyên truyền chính sách mới này. Bởi, sử dụng thẻ thấu chi giúp người dân tiếp cận vốn kịp thời nên hạn chế cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn rất tốt. Trong quá trình triển khai, theo chia sẻ của ông Nam ngân hàng cũng gặp khó khăn do người dân chưa dùng thẻ bao giờ, cũng như hạn chế trong sử dụng công nghệ hiện đại nên phải dày công hướng dẫn.

Song song với đó, cán bộ Agribank đang vận động các cửa hàng nhất là cửa hàng tạp hóa đặt POS tạo điều kiện thuận lợi cho người dân quẹt thẻ thanh toán. Trong số các chi nhánh triển khai hiệu quả tại Bình Thuận nổi lên có chi nhánh Hàm Tân, Lagi... Ông Nam tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của ngân hàng và hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, Đề án thẻ phát huy hiệu quả, chi nhánh hoàn thành kế hoạch được giao.

PV