Điểm nhấn The CrownX trong bức tranh tổng thể Masan Group

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:12, 04/09/2020

(TN&MT) - Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 được Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) công bố, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn đã tăng 92% so với cùng kì năm trước, lên mức 17.766 tỉ đồng trong quý II. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan Group đạt 35.404 tỉ đồng, tăng 103,3% so với mức 17.411 tỉ đồng vào nửa đầu năm 2019. 

The CrownX tăng trưởng hai chữ số

Masan cho biết, doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại The CrownX - Công ty con nắm giữ 83,74% cổ phần VCM (Đơn vị sở hữu 100% vốn VinCommerce – đơn vị vận hành chuỗi VinMart, VinMart+) và 85,71% cổ phần tại Masan Consumer Holdings (MCH - Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Consumer).

Cụ thể, The CrownX đạt doanh thu 12.592 tỉ đồng trong quý II/2020 và 25.848 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020, tỉ lệ tăng trưởng lần lượt là 20,5% và 26,8%. EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) tương ứng đạt 676 tỉ đồng quý II/2020 và 1.262 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020. Biên EBITDA nửa đầu năm 2020 tăng trưởng lên mức 4,9%, so với mức 3,9% ở cùng kỳ năm trước.

Trong quý II, doanh thu MCH tăng trưởng 34,6% lên 5.650 tỉ đồng nhờ các phát kiến mới ở nhiều ngành hàng như gia vị (nước mắm Chin-su Cá Cơm Mùa Xuân – phân khúc thượng hạng), thực phẩm tiện lợi (phở Chin-su, cháo Chin-su), nước uống tăng lực (Hổ Vằn) và thịt chế biến (thương hiệu Ponnie) và sự tăng trưởng của Bột giặt Net (Netco).

Nước mắm Chin-su, Nam Ngư, mì Omachi, xúc xích Ponnie, thịt kho trứng MEATDeli Bếp Việt là một số sản phẩm nổi bật của Masan.

Sau các đầu tư chiến lược nhằm ra mắt các phát kiến mới và quảng bá thương hiệu vào quý I/2020, ở quý II/2020, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp đã giảm xuống. Do đó, EBITDA trong quý II/2020 tăng trưởng 44,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng doanh thu. Biên EBITDA trong quý II/2020 là 22,8%.

Trong khi đó, với VinCommerce cũng đang có những tín hiệu khả quan dù trải qua giai đoạn khó khăn của COVID-19. Sau 6 tháng đầu năm 2020 về tay Masan, VinCommerce đã mang về khoản doanh thu lên tới hơn 15.800 tỉ đồng. Riêng trong quý I/2020, doanh thu của VinCommerce đạt 8.709 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Bước sang quý II, công ty thành viên này tiếp tục ghi nhận khoản doanh thu 7.104 tỉ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19.

Kế hoạch cải thiện hiệu quả kinh doanh vẫn đang được Masan tiếp tục thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Masan đã đóng cửa 151 siêu thị và cửa hàng không hiệu quả, đồng thời mở mới 45 điểm bán. 80% số cửa hàng bị đóng cửa nằm tại TP. HCM và các thành phố cấp 2. 

Những thay đổi này bước đầu đang giúp hệ thống bán lẻ này hiệu quả đáng kể, ghi nhận doanh thu từ chuỗi siêu thị mini VinMart+ tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG) là 3% trong quý II/2020. 

Ngược lại, doanh thu quý II của chuỗi siêu thị VinMart giảm 15% trái ngược với mức tăng 27% trong quý I chủ yếu do các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail phải đóng cửa vì COVID-19 và một phần do công ty chủ động giảm doanh số mảng khách hàng doanh nghiệp (B2B) để cải thiện biên lợi nhuận.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, VCM vẫn đang ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) âm 1.058 tỉ đồng. Dù vậy, đây cũng là tín hiệu khả quan khi biên EBITDA chỉ còn âm 6,7%, cải thiện 2% so với nửa đầu năm 2019.  

Thời gian tới, Tập đoàn này sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart+, vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt và được kì vọng sẽ là tương lai của thương mại hiện đại tại Việt Nam. Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của Masan về các điểm POL (Point of Life).

Trong năm nay, Masan dự kiến mở mới 100 - 300 cửa hàng VinMart+ và 10 - 30 siêu thị VinMart. Đồng thời, Masan cũng sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Hệ thống siêu thị sẽ được Masan cải tổ và số hóa, trong đó hàng tồn kho sẽ được quản lí theo thời gian thực, áp dụng công nghệ trong trải nghiệm mua hàng như Scan&Go, kết hợp mô hình O2O Retail (online to offline). Masan dự kiến sẽ đầu tư 15 triệu USD để nâng cao tính hiệu quả hoạt động của nền tảng này.
Mới đây, trong một đoạn quảng cáo trên sóng truyền hình đã xuất hiện thông tin “VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart”. Việc đổi tên này rất có khả năng sẽ diễn ra chậm nhất vào quý IV năm nay. Đây là một phần trong kế hoạch mang đến “làn gió mới” nhằm cải thiện lợi nhuận của chuỗi bán lẻ này, bên cạnh các biện pháp khác như đổi mới cách thức trưng bày tại cửa hàng, mang đến định vị giá trị phù hợp với người tiêu dùng, cải thiện hiệu quả logistic…

Masan có kế hoạch đổi tên VinMart thành WinMart.

Tăng sở hữu tại The CrownX

Báo cáo của Tập đoàn cũng cho biết, trong quý II/2020, Tập đoàn đã hoàn tất mua thêm 12,6% cổ phần của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 862 triệu USD. 

Như vậy, sau giao dịch này, Masan đang nắm giữ khoảng 82,6% cổ phần tại The CrownX. Theo đó, tỉ lệ lợi ích kinh tế tương ứng của Masan tại VCM và MCH lần lượt là 69,17% và 70,8%. 

Việc gia tăng sở hữu tại The CrownX theo lãnh đạo Masan nhằm tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa một nhà sản xuất và bán hàng và cụ thể hoá chiến lược phát triển tập trung tạo ra những giá trị thiết thực phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang, “dù đã chuyển đổi thành công nhiều ngành hàng FMCG, hiện nay các sản phẩm của Masan mới chỉ phục vụ 1% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. The CrownX là bước đi chiến lược để mang đến thay đổi toàn diện trong lĩnh vực nhu yếu phẩm, xét cả về sản phẩm lẫn dịch vụ.

Masan đặt mục tiêu phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho ít nhất 50 triệu người tiêu dùng, đồng thời, tăng thị phần của chúng tôi trong chi tiêu tiêu dùng lên mức 25%. Nhu yếu phẩm là nền tảng ban đầu để phụng sự các nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng, xa hơn là tài chính và các nhu cầu xã hội như kết nối, giải trí.”

Tập đoàn sẽ chú trọng cải thiện các tỉ suất tài chính với EBITDA cao hơn trong tương lai gần thông qua việc mở rộng mảng kinh doanh thịt của MML, tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck vào Masan High-Tech Materials và quan trọng nhất là đóng góp EBITDA tích cực từ VCM khi các sáng kiến cải thiện hiệu quả hoạt động của Masan Group được thực hiện hoàn chỉnh.

Đồng thời, Masan Group sẽ thực hiện gọi vốn chủ sở hữu tại mỗi nền tảng của Tập đoàn với ưu tiên dành cho các nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo giá trị gia tăng cho hiệu quả hoạt động.

PV