Thái Nguyên: 13 năm, công trình đập thủy lợi Hố Cóc 2 bị “bỏ quên” trong rừng
Tiếng dân - Ngày đăng : 10:54, 04/09/2020
Thân đập Hố Cóc 2 cỏ cây mọc cao lút người. |
Nhân dân xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên rất háo hức đón nhận dự án xây dựng một đập thủy lợi trong rừng để tích nước, tưới lúa. Họ kỳ vọng công trình này sẽ “phù phép” cho cánh đồng Phan Minh hơn 10 ha lúa sẽ tăng lên hai, ba vụ vì chủ động được nước tưới. Năm 2007, 2008, máy móc đơn vị thi công đưa về chạy rầm rầm, san gạt bạt núi đồi, đắp đập để xây dựng hồ. Công nhân thi công hối hả, gấp rút kịp tiến độ. Chẳng mấy chốc một hồ nước nhân tạo rộng khoảng 1 ha, khả năng trữ nước khá lớn đã hình thành. Một con đập đá lừng lững được đắp nên để chặn dòng suối nhỏ, giữ nước…
Cái ngày đất lộn màu tươi mới ấy đã nhanh chóng chìm dần vào trong trí nhớ của người già và ký ức tuổi thơ của trẻ nhỏ. 13 năm sau, người dân không thể kìm nén nổi bức xúc nên đã khơi lại và kể cho nhà báo nghe.
Anh Liễu Văn Xuân, dân tộc Sán dìu ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã vén cây cỏ chỉ nhiều điểm rò rỉ lớn trên thân đập Hố Cóc 2. |
Anh Liễu Văn Xuân, người dân tộc Sán Dìu ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã vén cây cỏ dẫn nhà báo theo con đường mòn đến xem bờ đập Hố Cóc 2 xuống cấp trầm trọng. Anh Xuân vừa phát cỏ, chặt cây ven đường mòn vừa nói: Đây là con đập cỏ các anh ạ. 13 năm trước tôi còn là thanh niên được nhà thầu Minh Sơn mời lái máy lu, đầm nền bờ đập này. Đang làm dở thì nhà thầu ấy bị dừng công việc và chuyển đi đâu mất tôi không rõ. Sau đó, một đối tác khác ở đâu đến làm qua loa thế là xong. Từ ngày đập trữ được nước thì rò rỉ nhiều chỗ. Bây giờ, cỏ cây hoang dại mọc cao kín lút đầu người. Nhiều mạch nước chảy phun ra từ giữa thân đập khi hồ đầy nước. Chảy thành mạch, thành dòng nhỏ suốt ngày đêm, bao nhiêu năm tháng nay khi hồ nước vơi. Giẵm chân lên thân đập có chỗ thụt lún như trên nền ruộng lúa xanh kia. Người dân chúng tôi lo lắng lắm. Bởi đập rò rỉ nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Nhà nước xây đập lãng phí quá, của đống tiền bỏ ra mà ruộng đồng của dân ngay dưới chân đập vẫn không hứng được giọt nước nào.
Trạm bơm bị cỏ cây phủ lấp.
|
Quét mắt ra xung quanh thì đúng thật. Trạm bơm bị cỏ cây phủ lấp. Anh Xuân phải phát cỏ, chặt cây mới lộ ra cái cửa cũ kỹ, hoen rỉ. Đoạn mương ngắn tũn nối từ cửa xả của đập chạy tuột ra cánh đồng thì bị vùi lấp trong cỏ và đất đá. Khoảng 100 mét mương bê tông rộng khoảng 40cm, cao 40cm được đấu nối trực tiếp thẳng xuống ruộng của dân. Mỗi khi xả nước thì nhiều ruộng lúa bị nước xiết nát.
Người dân xóm Cầu Cong đã xây bờ gạch tránh đập xả nước nát lúa. |
Chưa hết, việc cái đập hỏng thì tạm để riêng. Hệ thống kênh mương dẫn nước ra cánh đồng lúa mới là vấn đề đáng quan tâm. Anh Xuân cho biết thêm: Bấy giờ, người ta định xây cầu mương dẫn nước lao thẳng vào giữa cửa nhà tôi, rồi bẻ quặt một góc dẫn sang vườn nhà bố mẹ tôi và cứ thế vòng vèo qua bờ bãi, qua vườn đồi của nhiều hộ dân rồi mới chạy ra cánh đồng Phan Minh. Tôi không đồng ý vì cán bộ xã không trung thực. Tôi biết được thông tin có đền bù đất đai cho người dân khi đồng ý cho mương chạy qua. Nhưng thực tế họ không chi trả mà lý do, lý chấu là tiền của nhân dân trong xóm đóng góp và vận động người dân hiến đất làm mương nước. Thế nên bây giờ, mương bê tông cạn “xôi đỗ” như vậy.
Con “thạch xà”-mương bê tông cạn chạy ngoằn ngoèo trong vườn cây nhà anh Liễu Văn Ngọc, xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh. |
Đến vườn nhà anh Liễu Văn Ngọc, xóm Cầu Cong thấy cảnh tượng rất lạ. Con “thạch xà”-mương bê tông chạy ngoằn ngoèo trong vườn cây. Chỉ vào con mương bê tông cạn bị lá cây lấp đầy, anh Ngọc cho biết: Con Thạch xà này chạy qua đất nhà tôi khiến cho long mạch đứt quãng, hàn mãi mới được. Nhà tôi đập cả tường rào, chuồng lợn, nhà tắm cho mương đi qua. Vậy mà có thấy người ta đền hào nào đâu. Nước cũng chẳng có. Lợn, gà, chó con rơi xuống mương chết mấy ngày mới biết. Tôi cùng anh Xuân đã cơm nắm lên tỉnh hỏi thì họ bảo có tiền đền bù mà xã thì nói không. Thực hư chẳng rõ thế nào, hồ đập xây xong bỏ đó lãng phí quá. Mương thì xây dở dang, cán bộ chính quyền xã này xưa kia làm ăn không đàng hoàng lắm khiến người dân bức xúc. Người dân chỉ mong nhà nước quan tâm sớm sửa chữa hồ đập và hệ thống mương máng dẫn nước tưới tiêu để canh tác được thuận lợi. Ở đây, núi nhiều ruộng ít nên đất tốt quý lắm…
Con mương bê tông cạn, bị vùi lấp 13 năm "chết khô" trên đồi cây nhà người dân xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh. |
Đem câu chuyện lạ 13 năm, công trình đập thủy lợi Hố Cóc 2 bị “bỏ quên” trong rừng, kênh mương xây dở dang, nghi vấn nhập nhòe tiền đền bù, chủ đầu tư công trình này là ai… lên hỏi cán bộ UBND xã Tân Khánh thì được ông Nguyễn Anh Võ, chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Tôi mới nhậm chức được ít thời gian nên không biết rõ lắm. Không rõ đơn vị nào là chủ đầu tư và có tiền hỗ trợ đền bù đất hay không. Vì hai đời chủ tịch trước không để lại hồ sơ, dấu vết gì về công trình này. Xã hiện chỉ cho người trong tổ thủy lợi bảo vệ tài sản còn lại thôi.
Cánh đồng Phan Minh chỉ cho nông dân trồng lúa có nước trời một vụ. Lúa non đang đợi nước mưa để trổ bông. |
Tiếp tục tìm hiểu manh mối bí ẩn chủ đầu tư công trình này, nhóm phóng viên đã liên hệ một số sở ngành của tỉnh Thái Nguyên và phòng ban chức năng của huyện Phú Bình thì được hẹn: Sang ngày mới, tuần mới sẽ lục tìm cung cấp hồ sơ cho nhà báo sau. Thư thư đã, việc này vội gì.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ vụ việc này và thông tin đến bạn đọc.