Bộ TN&MT thẩm định đề án thăm dò khoáng sản tại Ninh Thuận và Thanh Hóa

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:32, 03/09/2020

(TN&MT) - Chiều 3/9, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

2 đề án được thẩm định gồm: Đề án thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực núi Mavieck 5, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Nam Châu Sơn Ninh Thuận là chủ đầu tư, Công ty TNHH Nam Đại Việt là đơn vị tư vấn.

Đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Lam Sơn 2, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Công ty TNHH Long Sơn là chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng – USCO là cơ quan lập đề án này.

Trình bày đề án thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực núi Mavieck 5, ThS. Nguyễn Văn Tuấn – đại diện Công ty TNHH Nam Đại Việt cho biết: Đề án nhằm làm sáng tỏ đặc điểm địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ trên diện tích 25,94 ha; đánh giá chất lượng và xác định trữ lượng đá ốp lát granit ở cấp trữ lượng 121, 122 tại phạm vi khu vực thăm dò; đánh giá chất lượng và xác định trữ lượng đá xây dựng thông thường dự kiến là: 4.411 nghìn m3.

Đề án được xây dựng trên tài liệu khoa học và thực tiễn có độ tin cậy chắc chắn khả thi. Đá granit làm ốp lát khu vực núi Mavieck 5 có chất lượng đảm bảo yêu cầu sản xuất đá ốp lát. Mỏ đá granit làm ốp lát tại núi Mavieck 5 có điều kiện thăm dò và khai thác khá thuận lợi.

Báo cáo tổng hợp kết quả thẩm định đề án, ông Nguyễn Tiến Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Thư ký Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản cho biết: Khu vực đã được Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tại thực địa.

Kết quả kiểm tra cho thấy: trong khu vực có thảm thực vật trên mặt chủ yếu là cây bụi gai, dây leo, cỏ dại, phần lớn là núi đá; không có đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện chạy qua, không có đường dây điện chạy qua, không có sông hồ và các công trình thủy lợi; không quan sát thấy di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh và các công trình an ninh, quốc phòng đủ điều kiện thăm dò khoáng sản.

Về đề án này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản yêu cầu Vụ Địa chất, Vụ Khoáng sản phối hợp với Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia rà soát lại, bổ sung trữ lượng nếu cần thiết để đảm bảo trữ lượng khi thăm dò có độ tin cậy đáp ứng theo quy trình, quy phạm có thể xem xét phê duyệt.

Trình bày đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Lam Sơn 2, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đại diện Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng – USCO cho biết: Khu vực thăm dò mỏ đá vôi Lam Sơn 2 thuộc Dự án dây chuyền 3, 4 nhà máy xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) với công suất 4,6 triệu tấn/năm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Văn bản số 1707/TTg-CN ngày 3/12/2018.

Nhiệm vụ chủ yếu của đề án là nghiên cứu chính xác hóa đặc điểm cấu trúc địa chất khu vực thăm dò; đánh giá trữ lượng và chất lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn, địa chất công trình phục vụ cho thiết kế khai thác.

Theo Thư ký Hội đồng Nguyễn Tiến Phương, kết quả đánh giá nội dung kỹ thuật của đề án thăm dò cho thấy, khu vực thuộc một phần dãy núi đá vôi Yên Duyên, cấu trúc địa chất tương đối đơn giản, phân bố hầu hết diện tích thăm dò. Trên cơ sở tài liệu địa chất, khu thăm dò được xếp vào nhóm mỏ II, thăm dò đánh giá trữ lượng đến cấp 121+122.

“Trên cơ sở góp ý của cơ quan phản biện, kết luận của hội nghị kỹ thuật, chủ đầu tư cùng tập thể tác giả đã chỉnh sửa, hoàn chỉnh đề án thăm dò. Cụ thể, đã bố trí lại trình tự thi công cho phù hợp với quy định; đã thiết kế bổ sung 4 lỗ khoan ngang, thay thế một số lỗ khoan xiên để xác định chiều dày, chất lượng đá vôi nhằm nâng cao hiệu quả thăm dò; đã thiết kế lại tuyến lấy mẫu trên mặt, không lấy tại các vị trí trùng với mặt lớp đá; không thiết kế mẫu công nghệ (sử dụng kết quả mẫu công nghệ thăm dò cho dây chuyền 1 của nhà máy); không sử dụng hệ số lớp kẹp trong tính trữ lượng”, ông Nguyễn Tiến Phương cho biết.

Về đề án trên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhất trí thông qua nội dung báo cáo đề án, đồng thời Thứ trưởng đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện và chỉnh sửa lại đề án theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng.

Mai Đan