Kiểm toán nhà nước: Nhiều bất cập trong quản lý rác thải tại địa phương

Môi trường - Ngày đăng : 10:05, 03/09/2020

(TN&MT) - Thông qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương và kiểm toán việc quản lý sử dụng đất, Kiểm toán nhà nước Khu vực XIII đã tập trung kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ nhiều sai phạm và những bất cập liên quan đến hoạt động quản lý rác thải tại nhiều địa phương.

Công tác quản lý rác thải tại các địa phương hiện nay đang còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa

Bất cập trong quản lý rác thải

Thực tế công tác quản lý rác thải tại các địa phương hiện nay đang còn nhiều bất cập.

Cụ thể, về bất cập trong quản lý chất thải nguy hại, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XIII, ông Trần Minh Khương cho biết, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cơ sở lớn ở quy mô vùng được đầu tư tập trung đầy đủ về mặt công nghệ và công suất xử lý để xử lý các loại chất thải nguy hại khác nhau. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý chất thải nguy hại của nước ta chưa hiện đại, dựa chủ yếu vào công nghệ đốt, không tiết kiệm được năng lượng cũng như có khả năng gây ô nhiễm thứ cấp nếu như các công trình bảo vệ môi trường liên quan hoạt động thiếu hiệu quả.

Mặt khác, đầu tư tài chính cho quản lý chất thải nguy hại chưa tương xứng. Trong khi đó, mức phí thu gom, xử lý chất thải nguy hại còn chưa thoả đáng, vì vậy việc đầu tư cơ sở, công nghệ cũng như hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại còn manh mún, tự phát và chưa hiệu quả.

Dù đã có quy định yêu cầu chủ nguồn thải phân loại chất thải nguy hại từ thời điểm lưu giữ hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp xử lý chất thải nhưng chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi không phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn.

Theo ông Trần Minh Khương, việc quy định bắt buộc xử lý đối với chất thải rắn nguy hại đối với các doanh nghiệp là một chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, quy định trên tất yếu dẫn đến tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến rủi ro: Các doanh nghiệp kê khai số lượng chất thải rắn nguy hại không đúng thực tế, xả trộm ra môi trường mà không qua xử lý hoặc trộn lẫn rác thải nguy hại vào rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thông thường… Hậu quả không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, mà còn có thể là mầm mống nguy cơ gây bất ổn xã hội. Do đó, công tác thanh, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện các cơ sở không tuân thủ quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải để xử lý theo quy định pháp luật.

Xử lý chất thải nguy hại của nước ta dựa chủ yếu vào công nghệ đốt, không tiết kiệm được năng lượng cũng như có khả năng gây ô nhiễm thứ cấp - Ảnh minh họa

Đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường, ông Trần Minh Khương cho biết, việc phân công, phân nhiệm trong quản lý chất thải còn chồng chéo và nhiều lỗ hổng. Đây là một trong những bất cập lớn, dẫn đến khó thống nhất trong quản lý nhà nước về chất thải rắn.

Cụ thể, hiện Bộ TN&MT được giao quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhưng một số nội dung như: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn lại được giao Bộ Xây dựng thực hiện.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ TN&MT được giao quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp. Với quy định như vậy, trách nhiệm quy định chi tiết về xử lý chất thải rắn thông thường phát sinh trong hoạt động nông nghiệp đang bị chồng chéo giữa 2 Bộ.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện quản lý chất thải rắn còn có những hạn chế tồn tại. Đó là, cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý không đủ điều kiện hoạt động; việc phân loại, thu gom, xử lý không theo đúng quy định; chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chưa được tính đúng, tính đủ, chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa phù hợp khung giá định mức do Bộ Xây dựng quy định; nguồn thu hoạt động cung cấp dịch vụ chưa được tổng hợp đầy đủ, kịp thời.

Đẩy mạnh xã hội hoá

KTNN Khu vực XIII cho rằng, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý rác thải, nước thải, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp về cơ chế chính sách có tác dụng định hướng, tác động mạnh mẽ nhất đến công tác quản lý rác thải, nước thải.

 Theo đó, cần sớm có sự điều chỉnh quy định chính sách theo hướng thống nhất công tác quản lý chất thải, rác thải về một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính, cụ thể, Bộ TN&MT ở cấp Trung ương, Sở TN&MT ở cấp địa phương. Đồng thời, tăng cường rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn, khu xử lý nước thải, đảm bảo đúng quy định về quy hoạch, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, đảm bảo công nghệ xử lý chất thải phù hợp.

 Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt; rà soát sửa đổi bổ sung và ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn có thu hồi năng lượng.

Có chính sách ưu đãi về vốn đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải nguy hại đầu tư các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải nguy hại theo hướng thân thiện môi trường nhằm phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại. Đặc biệt, sử dụng thích hợp, có hiệu quả Quỹ Bảo vệ môi trường trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải. Nhà nước có thể làm trung gian bảo lãnh để các nhà đầu tư tư nhân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ODA, nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

 Mặt khác, cần xây dựng chính sách hỗ trợ để ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế, xử lý chất thải từ nguồn ngân sách. Nghiên cứu, áp dụng giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng.

Tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, đặc biệt là chất thải độc hại. Gắn trách nhiệm của chủ nguồn thải sau khi chuyển giao chất thải cho doanh nghiệp xử lý.

Lưu Nguyên Sơn