Giáo dục và quản lý giáo dục trong di sản tư tưởng – đạo đức – phong cách Hồ Chí Minh

Trong nước - Ngày đăng : 09:53, 02/09/2020

(TN&MT) - Di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục thể hiện trong một chỉnh thể, thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Là một nhà giáo dục lỗi lạc, Người là bậc thầy về phương pháp và một mẫu mực về văn hóa ứng xử. Nổi bật và nổi trội trong di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục là đạo đức và thực hành đạo đức. Đây là nền tảng và hướng đích của giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em.

Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh, tư tưởng về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng có 4 chuẩn mực giá trị: cần, kiệm, liêm, chính, gắn liền với 2 nguyên tắc ứng xử: chí công, vô tư. Người không những chỉ dẫn cho chúng ta mà Người cũng thực hành trước tiên để nêu gương và làm gương: Thiếu một đức thì không thành người. Phải đủ cả 4 đức mới là người hoàn toàn.

Thấu hiểu tính người và lẽ sống ở đời nên Hồ Chí Minh còn căn dặn chúng ta: ai cũng là con người bình thường, không có ai là thần thánh cả, nên muốn trở nên hoàn toàn, nghĩa là hoàn thiện đạo đức và nhân cách thì suốt đời phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng” - nguy hiểm nhất, ẩn nấp ngay trong lòng mình.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là đấu tranh với chính mình, với những thói hư tật xấu của chính mình, của mọi người, trong đồng chí, đồng đội của mình; phải thật thà tự phê bình và phê bình. Phải làm thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Phương châm ứng xử của Người là “với mình phải nghiêm, với người thì rộng lòng khoan thứ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà giáo dục đích thực, bởi Người đã từng là một thầy giáo, trực tiếp giảng dạy. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng giữa tư tưởng với đạo đức, phương pháp và phong cách trong chỉnh thể hoạt động lý luận và thực tiễn của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà giáo dục đích thực, bởi Người đã từng là một thầy giáo, trực tiếp giảng dạy.

"Trong khoảng thời gian 30 năm hoạt động ở nước ngoài, có mặt ở 30 nước và vùng lãnh thổ khác nhau, qua các đại dương và châu lục trên thế giới, Người đã trải nghiệm trực tiếp cuộc sống lao động, học tập và tranh đấu của các nước bạn, tìm thấy chân lý trong thực tiễn, tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, tư tưởng Lênin và Chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là khởi đầu cho bước ngoặt thay đổi cuộc cách mạng của nhân dân và dân tộc ta sau này” – GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết.

Những chỉ dẫn quan trọng của Người về giáo dục và quản lý giáo dục

Có thể thấy rõ sự quan tâm rất mực sâu sắc của Hồ Chí Minh tới giáo dục và vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội. Nhà trường là thiết chế cơ bản, nòng cốt của giáo dục và nhà giáo là chủ thể, người tổ chức và thực hiện hành động dạy học, tác động tới học sinh, đối tượng của giáo dục, đồng thời cũng là chủ thể tự giáo dục, tự đào tạo để tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng và hoàn thiện nhân cách.

Với hơn 50 năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho biết: “Hiểu rõ công việc của nhà giáo và nhà trường, thấy rõ nỗi vất vả, hy sinh thầm lặng, làm nên công trạng của “những kỹ sư tâm hồn”, Hồ Chí Minh tôn vinh họ là “những anh hùng vô danh”. Từ gia đình đến xã hội, từng người đến cả cộng đồng đều phải kính trọng và biết ơn các thầy, cô giáo. Đó là đạo lý, đạo nghĩa của một dân tộc có truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Oanh đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người không chỉ xác định bản chất, mục tiêu giáo dục, đề cao vai trò của giáo dục, của việc dạy học, của nhà trường và nhà giáo mà còn làm rõ nội dung toàn diện của giáo dục, nguyên tắc và phương châm giáo dục. Trong Thư gửi các em học sinh, ngày 24/10/1955, Người nói rõ: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách, trước hết phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.

Nói tới giáo dục và quản lý giáo dục, Hồ Chí Minh còn tỏ rõ sự am hiểu sâu sắc nhiệm vụ của từng cấp học, ngay ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, Người cũng coi là một cấp – “cấp vỡ lòng” mà Người rất coi trọng: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Ngoài ra, Người đặc biệt chú trọng phương pháp giáo dục. Người là bậc thầy về phương pháp cũng như kiểu mẫu về văn hóa ứng xử tinh tế, có sức cảm hóa, thuyết phục và thu phục nhân tâm. Thử thách đối với nhà giáo không chỉ là kiến thức, trình độ chuyên môn mà còn là phương pháp, là đạo đức người thầy và văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử.

Chỉ nói riêng về bậc học mầm non, mẫu giáo và cô giáo mầm non, Người căn dặn: Làm mẫu giáo là thay mẹ dạy trẻ. Các cháu còn nhỏ, hay quấy. Vậy phải có sự kiên nhẫn, tận tâm nuôi và dạy các cháu nên người bằng tất cả tình thương của người mẹ.

“Vấn đề đào tạo giáo viên, vai trò của trường sư phạm cũng được Người hết sức quan tâm. Người đặc biệt quan tâm tới tình hình giáo dục ở nông thôn và miền núi, vùng xa, vùng cao – nơi trình độ dân trí còn thấp, đời sống đồng bào còn rất khó khăn, các cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, dạy học còn rất thiếu thốn. Đó là những nơi vẫn còn tình trạng mù chữ. Do đó, Người thông cảm với khó khăn của anh chị em giáo viên công tác ở miền núi, vùng rẻo cao. Quan tâm của Người tới đội ngũ các nhà giáo rất toàn diện từ các giáo viên bình dân học vụ, mầm non, tiểu học cho đến đội ngũ giáo viên trung học và các giảng viên đại học”, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh.

Mai Đan