TP.HCM: Cuộc vận động lớn trong thay đổi ý thức bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 19:13, 01/09/2020

(TN&MT) - Sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (Chỉ thị 19) đã mang lại những kết quả tích cực về chất lượng môi trường, mỹ quan đô thị, đặc biệt đã tạo sự chuyển biến căn bản trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Tạo được sự đồng thuận cao

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị 19 đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố; nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, rác xả đúng nơi quy định đã có chuyển biến tích cực. TP.HCM vừa tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen của người dân.

Đồng thời, Thành phố cũng đẩy mạnh xử lý các vi phạm để chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng Theo đó, đến nay các quận, huyện và phường, xã thị trấn đã tổ chức 6.609 cuộc đối thoại với người dân về vấn đề vệ sinh môi trường và khoảng 2 triệu hộ dân đã thực hiện bản cam kết hộ dân, đạt tỷ lệ 93,7%. Thành phố đã tiếp nhận và xử lý được 19.884/20.003 ý kiến phản ánh, tỷ lệ giải quyết đạt 99,4%.

Để kịp thời tương tác với người dân, các quận huyện đã triển khai phần mềm “trực tuyến” và các phần mềm quản lý khác để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường; một số quận huyện còn ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber….) trong công tác tuyên truyền, tiếp nhận thông tin xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đô thị.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 19 đến nay, TP.HCM đã vận động xã hội hóa lắp đặt 31.004 camera an ninh kết hợp theo dõi giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường. Trang bị thêm 37.303 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn phục vụ nhu cầu thải bỏ rác sinh hoạt của người dân thành phố. Trong đó, các điểm hẹn tập kết rác tại một số quận huyện đã được lắp camera để giám sát việc giao nhận rác, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt rác không đúng nơi quy định.

Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ TP.HCM tại Lễ phát động Cuộc vận động

Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, UBND TP.HCM đã có chủ trương thống nhất giao cho cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng. Đến nay, các đơn vị chức năng đã nhắc nhở 6.121 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, môi trường; lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10.111 trường hợp với số tiền phạt hơn 17,27 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 được thuận lợi. Đến nay, Thành phố đã tổ chức, sắp xếp được 1.869 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; đã chuyển đổi 658 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Đặc biệt, một trong những kết quả nổi bật nhất của Chị thị 19 chính là nhiều điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được TP.HCM xử lý dứt điểm. Theo đó, Thành phố đã rà soát, giải tỏa được 754/793 điểm điểm ô nhiễm về rác thải (tỷ lệ giải quyết đạt 95,1%), chuyển hóa 125 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, công viên…

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, giám sát. Ðể cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đạt kết quả cao trong thời gian tới, cần sự phối hợp các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện Cuộc vận động, nhất là giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Hệ thống chính trị chuyển động

Tại Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Thực hiện Chỉ thị 19 cả hệ thống chính trị của Thành phố đã thực sự chuyển động, khiến cho toàn thể người dân và doanh nghiệp cùng hành động trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Trước kia, đoạn đường số 18, khu phố 4, phường Linh Đông (quận Thủ Đức) được biết đến là một trong những điểm “đen” về rác thải, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Thực hiện Chỉ thị 19, Đảng ủy, UBND phường Linh Đông đã vận động động các đoàn thể, người dân tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải, phát quang cỏ dại, trồng lại cây xanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, con đường số 18 đã trở lên sạch, đẹp. Các hộ dân trên con đường này thực hiện nghiêm túc chương trình vận động của khu phố mỗi ngày, mỗi gia đình dành năm phút quét dọn đường phố trước nhà mình, để rác đúng nơi quy định.

Các lực lượng cùng tham gia thu gom rác thải tại một điểm “đen” ô nhiễm môi trường

Ông Trần Trọng Yên, Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường Linh Đông cho biết: Để có kết quả này, một mặt cán bộ đảng viên phải  gương mẫu thực hiện trước, tiếp theo phải kiên trì vận động tuyên truyền cho người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời cần giải quyết ngay những phản ánh, kiến nghị của người dân.

Ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận 7 cho biết: Thực hiện Chỉ thị 19, Quận đã chỉ đạo tổ chức vận động các hộ dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn quận thực hiện việc cam kết hưởng ứng Cuộc vận động. Trong đó, 735/735 Tổ trưởng Tổ dân phố thay mặt 105.049 hộ dân, ký cam kết tham gia hưởng ứng cuộc vận động; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên các trường học trên địa bàn thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch, bỏ rác đúng nơi quy định.

Đối với góc độ cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp cùng với Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cùng thực hiện giám sát công tác triển khai Chỉ thị 19 trên địa bàn các quận, huyện.

Sở TN&MT cũng đã tổ chức giám sát trực tiếp chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trong đó, định kỳ và đột xuất kiểm tra các điểm tập kết rác thải, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, việc giải quyết các điểm ô nhiễm về rác thải, quản lý nhà vệ sinh và thùng rác công cộng của quận, huyện.

Trên sơ sở kết quả giám sát, Sở TN&MT đã kịp thời thông tin đến các quận huyện nhắc nhở đối với công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, việc hình thành các điểm tập kết rác tự phái hoặc tái phát sinh các điểm ô nhiễm rác thải để chấn chỉnh cũng như làm cơ sở đánh giá, xét công nhận “phường - xã - thị trấn sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: Tiếp tục vận động 100% hộ dân ký cam kết. Mặc dù, đa số người dân ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân vẫn xả rác ra đường, kênh rạch, các khu đất trống, các dự án chưa triển khai xây dựng; các hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rác thải trực tiếp xuống kênh rạch.

Ngoài ra, công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập ở một số quận, huyện chưa chặt chẽ, vẫn còn diễn ra tình trạng đơn vị thu gom rác dân lập chưa đảm bảo thời gian quy định; chưa quy định cụ thể tần suất, thời gian thu gom trong tuần

Mục tiêu của Chỉ thị số 19 là vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, tiến tới chấm dứt việc xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động tuyên truyền nhân dân, tổ chức đối thoại và vận động 100% hộ dân trên địa bàn thành phố cam kết không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch.

Nguyễn Quỳnh