Petrovietnam - 45 năm gian nan và tự hào

Kinh tế - Ngày đăng : 15:39, 01/09/2020

(TN&MT) - 45 năm qua (3/9/1975-3/9/2020), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển không ngừng khẳng định được vị thế của Tập đoàn kinh tế trụ cột; đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Khẳng định bản lĩnh – trí tuệ

Nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển – một chặng đường đầy thử thách, khó khăn, gian khổ; những mất mát hy sinh của các thế hệ  người lao động dầu khí luôn tự hào về lịch sử của một đơn vị có bề dày truyền thống lao động, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ luôn đồng hành cùng sự phát triển lớn mạnh của đất nước.

Hạ tầng ngành công nghiệp khí dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

45  năm qua, cán bộ, kỹ sư, công nhân và người lao động Dầu khí qua các thời kỳ đã kế tiếp nhau viết nên trang sử truyền thống vẻ vang, hào hùng của một ngành kinh tế, kỹ thuật đặc biệt ...  Những đóng góp của Tập đoàn vào sự phát triển ngành Dầu khí nói riêng và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước nói chung được Đảng và Nhà nước Nhân dân ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- Petrovietnam).

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Petrovietnam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử xây dựng và phát triển: Giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp, tình hình Biển Đông phức tạp, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do dịch bệnh Covid - 19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn; Công tác quản lý Nhà nước về Dầu khí, các chính sách phục vụ phát triển bền vững Tập đoàn còn bất cập, thiếu thống nhất, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị chậm được thể chế hóa, chưa tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh đồng bộ, xuyên suốt cả chuỗi giá trị; Tập đoàn đã bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng nguồn lực, năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị...

Mỏ Bạch Hổ 

Chính vì vậy mà trong thời gian qua, Tập đoàn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong giai đoạn trước, những hệ lụy không tránh khỏi, đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư tưởng người lao động, uy tín và thương hiệu của Tập đoàn. Trong đó, Tập đoàn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình quản lý; Ban hành quy chế quản trị nội bộ làm cơ sở để xây dựng, ban hành Bộ Quy chế quản trị nghiệp vụ nội bộ để quản lý các hoạt động thông suốt, chuẩn mực, phù hợp với những thay đổi về kinh tế, pháp luật, xu hướng công nghệ và tạo tiền đề cho quản trị số trong tương lai. Đồng thời, Tập đoàn tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính cũng như triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và cán bộ nguồn… Ứng dụng khoa học – công nghệ, các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 được triển khai ở tất cả các lĩnh vực hoạt động... Ứng dụng các công nghệ mới của nước ngoài trong thiết kế, vận hành tối ưu hóa và duy trì hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả của các nhà máy Điện, Chế biến dầu khí…

Kết quả trong 05 năm qua, Tập đoàn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch khai thác dầu khí hằng năm Chính phủ giao (kể cả giao bổ sung tăng thêm như năm 2017): Tổng sản lượng khai thác dầu khí ước đạt 150,3 triệu tấn quy dầu, vượt 0,2% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ II đề ra. Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí còn góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Hạ tầng ngành công nghiệp khí dần được hoàn thiện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hệ thống các đường ống dẫn khí được vận hành an toàn, cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và tiêu dùng dân sinh. Nguồn khí được cung cấp để: sản xuất điện chiếm 31-33% sản lượng điện toàn quốc; sản xuất đạm trên 1,6 triệu tấn/năm, chiếm 70-75% nhu cầu nội địa. Triển khai việc nhập khẩu và phân phối khí LPG và CNG cho hộ công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong cả nước. Áp dụng các chính sách thúc đẩy sử dụng khí, đa dạng hóa hình thức đầu tư xây dựng nhà máy điện khí, khuyến khích nghiên cứu sử dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...

Petrovietnam luôn vững vàng trong gian khó

Các dự án trong lĩnh vực chế biến dầu khí được tập trung triển khai; sản xuất xăng dầu ước đạt 52,74 triệu tấn, vượt 1,4% chỉ tiêu; Sản xuất đạm ước đạt 9,72 triệu tấn, vượt 23% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đáp ứng 70 – 75% nhu cầu đạm trên thị trường và bước đầu đã xuất khẩu. Các nhà máy đạm, lọc - hóa dầu được vận hành an toàn, công tác bảo trì, sửa chữa thường xuyên, định kỳ được tuân thủ đúng yêu cầu của nhà chế tạo và theo kế hoạch. Sản xuất điện ước đạt 128,84 tỷ kWh, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế, trong giai đoạn này, công tác an sinh xã hội luôn được tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn quan tâm, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm của những người lao động dầu khí đối với cộng đồng, với xã hội. Mỗi người lao động dầu khí đều tích cực tham gia các hoạt động để có được nguồn thu, đóng góp cho các quỹ từ thiện xã hội, cho người nghèo, cho đồng bào ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, chủ lực

Mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 được Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra là: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tầu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành Dầu khí. Tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Bảo toàn và phát triển nguồn vốn; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Ngành Dầu khí vượt qua khó khăn thách thức trong giai đoạn vừa qua đầu tiên chính là nhờ trí tuệ người Dầu khí, bản lĩnh người Dầu khí. Trí tuệ đó, bản lĩnh đó được hun đúc trong từng cán bộ, đảng viên Dầu khí và chính nó đã trở thành sức mạnh của Đảng bộ Tập đoàn, sức mạnh Petrovietnam. Chúng ta, mỗi đảng viên Dầu khí, người lao động Dầu khí chân chính đều có quyền tự hào về điều đó.    

Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh          

Đêr đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn đưa ra những giải pháp như:Tăng cường công tác quản trị chiến lược từ khâu hoạch định, thiết lập, triển khai tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá và khắc phục điều chỉnh chiến lược nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn. Song song với phát triển năng lượng truyền thống, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo bám sát xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục cải cách, đổi mới, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý các nguồn lực của Tập đoàn.

Chủ động, linh hoạt trong việc thu hút vốn qua các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, trái phiếu... đáp ứng nhu cầu phát triển, chia sẻ rủi ro, thu hồi vốn và bổ sung vốn chủ sở hữu. Tiếp tục đề xuất kiến nghị Nhà nước hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với mô hình phát triển doanh nghiệp Dầu khí.

Rà soát tổng thể các dự án đầu tư đang triển khai; tập trung nguồn lực vào các dự án có hiệu quả cao, các dự án cấp bách; quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng kéo dài. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là các chuỗi dự án khí – điện. Tối ưu hóa nguồn lực giữa các đơn vị, các khối trong Tập đoàn; phát huy thế mạnh, nâng cao lợi thế cạnh tranh của từng đơn vị để phát triển một hoặc nhiều chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để sớm triển khai ứng dụng các giải pháp thích hợp, đồng thời với xây dựng hệ sinh thái số nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị. Coi công tác quản lý an toàn, an ninh, môi trường là văn hóa đặc trưng của Tập đoàn.

Thông qua Tái tạo Văn hóa Petrovietnam làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi hoạt động của tổ chức Đảng, hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh trong Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, giữ gìn đạo đức, phẩm chất, lối sống; người lao động Dầu khí tin tưởng, yên tâm, tự hào và gắn bó với Tập đoàn Dầu khí…

Với truyền thống của “Những người đi tìm lửa” anh hùng, với tinh thần Bản lĩnh - Trách nhiệm - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày càng vững mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước và hội nhập kinh tế toàn cầu, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

Thương Thương