Hiện đại hóa ngành đo đạc và bản đồ
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:07, 01/09/2020
Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ và khả năng tự động hóa cao, Cục đã và đang xây dựng, phát triển các nền tảng hạ tầng kỹ thuật đo đạc bản đồ và thông tin địa lý thế hệ mới như: Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET); Hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI); Mô hình geoid/quasigeoid; Hệ quy chiếu động 3D… Đây là các công nghệ đảm bảo trả lời cho câu hỏi “ta đang ở đâu trên Trái đất?”, “đi tới hay liên hệ với một nơi khác bằng cách nào là tối ưu?” cũng như “làm thế nào để gắn kết thông tin về vị trí và thời gian (tọa độ không - thời gian) cũng như hàng loạt thông tin khác đang diễn ra trên các thực thể của thế giới thực ?” trong thời gian thực.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đoàn công tác kiểm tra Trạm định vị vệ tinh đặt trong khuôn viên Đài KTTV khu vực Đông Bắc (tỉnh Quảng Ninh) |
Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, khi trả lời được 3 câu hỏi này, chúng ta đủ điều kiện để kết nối vạn vật bất kể với khoảng cách nào, đồng thời, làm cho người máy (trí tuệ nhân tạo) biết tư duy về không gian mình đang tồn tại và vận động, đặc biệt, sẵn sàng hỗ trợ các giao thức kết nối mở cho các công nghệ tự động hóa độ chính xác cao trong thời gian thực như: Giám sát chuyển dịch, Giao thông, xây dựng, nông nghiệp, cảng biển Logistics, thành phố thông minh (SmartCity), hàng không…
Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia hiện đang cung cấp cho người sử dụng rất nhiều các dịch vụ như: Dịch vụ đo động thời gian thực; dịch vụ xử lý sau cho dữ liệu GNSS đo tĩnh, tĩnh nhanh và đo động trên giao diện Web trực tuyến; dịch vụ FTP cho phép Download dữ liệu GNSS từ hệ thống; dịch vụ cho phép tra cứu tình trạng hoạt động thu tín hiệu, sơ đồ vị trí và các thông tin liên quan tại các trạm CORS; dịch vụ trực tuyến giám sát hoạt động thu tín hiệu và cải chính của các máy Rover đo RTK; dịch vụ truyền trực tiếp các tham số tính chuyển tọa độ và mô hình Geoid cho các Rover đo RTK.
Trong các dịch vụ của mạng lưới hiện đang cung cấp, đối với dịch vụ đo động thời gian thực là hiện đại và được ứng dụng nhiều nhất hiện nay. Giải pháp đo động thời gian thực được cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia có thể nói là giải pháp đáp ứng độ chính xác cao nhất hiện nay. Giải pháp này nhằm mục đích chính đó là tạo ra các dịch vụ cải chính số liệu GNSS độ chính xác cao trong chế độ thời gian thực, đồng thời, khắc phục hạn chế lớn nhất trong kỹ thuật đo GNSS RTK là việc bị hạn chế khoảng cách trạm di động có thể thu nhận được tín hiệu cải chính do trạm cố định phát đi qua thiết bị truyền phát sóng vô tuyến.
Đồng thời, sử dụng phương thức NTRIP (Networked Transport of RTCM via Internet Protocol) đây là phương thức mới phục vụ cho việc truyền và cấp phát số liệu hiệu chỉnh GNSS thông qua kết nối mạng Internet. NTRIP cho phép truyền dẫn số liệu hiệu chỉnh RTK thông qua Internet sử dụng các kỹ thuật truyền dẫn di động như 3G/4G hay các cách thức truyền dẫn tốc độ cao sẽ được định hình trong tương lai. Một hệ thống NTRIP được cấu thành bởi những hợp phần sau: TRIP Sources (tổng hợp dòng số liệu tại các địa chỉ xác định); NTRIP Servers (truyền tải dòng số liệu từ NTRIP Sources tới NTRIP Caster); NTRIP Caster (hợp phần chính của một hệ thống NTRIP); NTRIP Client (quản lý truy suất vào dòng số liệu đã tạo ra từ NTRIP Caster).
Ngày 27/12/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ấn nút chính thức ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.
Có thể nói, hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh là cơ sở làm nền tảng để hoàn chỉnh hệ qui chiếu và hệ tọa độ quốc gia 3D theo quan điểm động; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về trái đất. Đây là một trong những công trình khoa học công nghệ tiêu biểu của ngành tài nguyên và môi trường trong năm qua góp phần vào việc phát triển ngành bền vững, hiện đại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.