Làng gạch Chợ Mới nỗ lực hạn chế ô nhiễm môi trường

Kinh tế - Ngày đăng : 10:28, 01/09/2020

(TN&MT) - Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có trên 600 lò gạch, nhiều nhất là các xã Long Giang, Long Kiến và Mỹ Hội Đông. Trước đây, những lò gạch này sản xuất theo phương pháp truyền thống nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nỗ lực của chính quyền địa phương nhận thức của các chủ cơ sở đã thay đổi, đến nay có tới 80% lò gạch đã thay đổi công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Những làng gạch đã từng là nỗi ám ảnh cho nhiều người

Huyện Chợ Mới vốn được thiên nhiên ưu đãi bởi là dãy đất cù lao nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Ngoài khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, huyện còn có rất nhiều nguồn đất sét thích hợp với việc sản xuất gạch, ngói các dạng nên vùng đất cù lao này có hàng trăm lò gạch truyền thống hoạt động ngày đêm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Một cơ sở sản xuất gạch tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới

Ông Dương Ngọc Thạch, 58 tuổi giám đốc công ty TNHH sản xuất gạch Phước Đức (còn có tên là Út Cọp) kể lại “ gia đình tôi có truyền thống làm nghề này đã qua 3 thế hệ rồi. Những năm trước chỉ sản xuất theo phương pháp truyền thống nên chất lượng, sản lượng không cao, nhiều chủ “ lò” ở đây đã phải giải nghệ vì thua lỗ. Đó là chưa kể mình bị người dân xung quanh thưa kiện vì làm ô nhiễm môi trường sống” .

Cũng theo ông Thạch, nếu sản xuất theo kiểu cũ thì người lao động rất dễ nhiễm các bệnh về đường hô hấp, các bệnh mãn tính về xương khớp, mắt, tai, mũi, họng. Đó là chưa kể khói bụi từ các lò đốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và một số cây ăn trái. Khó khăn chồng chất khó khăn khi nhà nước có chủ trương không sử dụng gạch từ các lò nung theo phương pháp truyền thống cho các công trình do nhà nước đầu tư thì hàng trăm lò gạch trở nên điêu đứng, sản phẩm tiêu thụ chỉ còn ở các công trình xây dựng tư nhân và rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thu, 56 tuổi ngụ xã Long Giang cho biết: Bản thân bà đã làm "phu gạch" gần 20 năm, cuộc sống cũng tạm đủ nhưng đang mang rất nhiều loại bệnh nhất là bệnh viêm phổi, mờ mắt, ù tai… Năm 2008, bà đã phải nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo.

Không chỉ có bà Thu mà đã có hàng trăm trường hợp bỏ việc tương tự bởi không một người lao động nào được chủ cơ sở mua BHYT, BHXH, BH tai nạn lao động, vậy nên khi có ốm đau, tai nạn thì người lao động phải tự trang trải mọi chi phí. 

Theo ông Thái Văn Bê, ngụ xã Mỹ Hội Đông, hơn 10 năm về trước làng gạch nầy khói bụi mù mịt, người dân phản ánh thì chính quyền xuống can thiệp nhưng chỉ được vài hôm thì đâu lại hoàn đó, nhiều người già, trẻ em phải đi lánh nạn ở nơi khác còn vườn cây ăn trái thì thất thu luôn.

Không để cái khó bó cái khôn

Trước thực trạng trên, lãnh đạo huyện Chợ Mới đã có nhiều giải pháp hỗ trợ như mở rộng nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi qui trình sản xuất; phân công cán bộ giám sát chặt chẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch; không để xảy ra tình trạng xây và hoạt động “chui”. Cùng với đó tổ chức kiểm tra thường xuyên sức khỏe của người lao động; độ ô nhiễm không khí xung quanh các cơ sở; bắt buộc các chủ cơ sở mua đầy đủ BHYT, BHTNLĐ cho công nhân. Ngoài ra có phương án qui hoạch tập trung các cơ sở sản xuất để đảm bảo các vấn đề có liên quan đến môi trường, sức khỏe, tài nguyên.

Từ năm 2010, chính quyền huyện Chợ Mới đã làm việc với tất cả chủ cơ sở chế biến gạch ngói trên địa bàn và thống nhất chuyển đổi phương án sản xuất từ truyền thống sang phương pháp Hoffman của Đức, phương pháp này đã có từ các nước châu Âu từ nhiều năm trước. Đây là kiểu lò nung theo công nghệ nung liên tục với buồng đốt di động.

Lò Hoffman gồm 2 dãy, mỗi dãy có 11 khoang gạch với 12 cửa đốt. Phương pháp đốt cửa hông, nguyên liệu đốt chủ yếu là vỏ trấu và tiết kiệm được 50% so với phương pháp truyền thống. Một ưu điểm rất lớn từ cách nung này là do sử dụng ít nhiên liệu và sử dụng hiệu quả cao nguồn nhiệt do đốt liên tục và tuần hoàn, nên giảm đến 70% lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường. Cùng với đó ống khói được thiết kế từ 15 đến 22 mét, được các quạt có công suất lớn đẩy lên liên tục nên lượng khói phát tán nhanh ra bên ngoài.  

Gạch thành phẩm

Ông Võ Tấn Đức, công nhân cơ sở gạch Phước Đức, xã Mỹ Hội Đông phấn khởi nói: “Với phương pháp mới này thời gian nung rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 3 ngày so với cách cũ; sản lượng tăng từ 8 đến 10 lần; màu sắc gạch đẹp, độ bền tăng, giá thành hạ, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo tốt sức khỏe người lao động”.

Mặt khác, khói bụi từ các miệng lò đã giảm từ 70 đến 80% so với trước nên đã không còn là nỗi lo của nhiều cư dân sinh sống xung quanh và không ảnh hưởng đến điều kiện phát triển cây ăn trái.

Chúng tôi đã trực tiếp tham quan cơ ngơi rộng hàng chục ngàn mét vuông của cơ sở làm gạch được xem là lớn nhất xã Mỹ Hội Đông có tên Phước Đức. Tại đây hàng trăm công nhân đang lao động với khí thế rất khẩn trương, phấn khởi. Dưới sông Vàm Nao có hàng chục chiếc tàu tai trọng lớn đang lấy hàng và chuẩn bị xuất bến. Hàng chục chiếc tàu khác cặp bến để đưa nguồn đất sét nguyên liệu lên các bãi chứa của các lò gạch.

Công nhân đang chuyển hàng 

Giám đốc Công ty TNHHSX gạch Phước Đức Dương Ngoc Thạch phấn khởi cho biết: Từ khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới, mỗi ngày cơ sở của ông cung ứng ra thị trường khoãng 700.000 viên gạch ống loại 1,2,3. Với giá bán từ 700 đến 750 đồng/viên ( tùy loại), sau khi trừ hết chi phí nhân công, nhiên liệu…ông còn lãi trên 10 triệu đồng/ngày. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Thử làm một phép tính đơn giản mỗi tháng ông Thạch đã có trong tay nguồn lãi trên 300 triệu đồng. Các cơ sở khác ở làng gạch Chợ Mới tùy theo qui mô sản xuất đều có lãi khá cao, từ đó đời sống NLĐ khá ổn định.

Thực tế cho thấy, đến nay đã có trên 80% lò gạch đã chuyển đổi công nghệ sản xuất. Nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, duy trì sự sống của các lò gạch của chính quyền nơi đây bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Trương Thanh Liêm