Đại Tòng Lâm: Ngôi chùa đặc biệt quanh năm cây xanh tươi tốt yên hòa
Văn hóa - Ngày đăng : 22:12, 31/08/2020
Chánh điện Đại Tòng Lâm |
Ngôi chùa xác lập bốn kỷ lục quốc gia
Ngày cuối cùng của tháng Tám mùa Thu, đoàn thơ thành phố Vũng Tàu chúng tôi hành hương đến chùa Đại Tòng Lâm- ngôi chùa đặc biệt nhất trong hàng ngàn ngôi chùa tọa lạc hiện có ở miền Đông Nam Bộ.
Sau gần một giờ đồng hồ hành quân từ thành phố biển, chúng tôi đến Đại Tòng Lâm lúc 9 giờ sáng. Phía sau cổng chùa uy nghi nghiêm trang là ba tượng Di lặc Bồ tát nguyên khối linh thiêng nhìn ra mặt hồ sen tỏa hương thơm ngát. Phía sau ba bức tượng ấy là một quần thể kiến trúc độc đáo với những ngôi chùa tồn tại nhiều năm qua theo dòng chảy của thời gian.
Bao phủ quần thể hàng trăm chùa, chiền, lăng tẩm lớn nhỏ là ngút ngàn cây xanh quanh năm tươi mát. Ni cô Đàm Thanh cho biết, Đại Tòng Lâm là ngôi chùa rộng lớn có hành trăm các loài cây xanh các loại bốn mùa tươi tốt. Đây chính là nét thanh bình, yên ả nhất trong hàng ngàn ngôi chùa đang tọa lạc ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Ba tượng Di lặc Bồ tát |
Tôi hỏi: “Đại Tòng Lâm có phải là ngôi chùa được xác lập 4 kỷ lục quốc gia thưa sư cô?” . “Đúng. Đó là nét đặc biệt của ngôi chùa này”- sư cô Đàm Thanh cho hay.
Ni cô Đàm Thanh dẫn chúng tôi chậm rãi đi dưới hàng cây tùng cao vút tỏa bóng mát giữa cái nắng “tháng tám rám trái bòng”. Chỉ tay về phía Chánh điện: Chánh điện của chùa là một trong bốn xác lập kỷ lục quốc gia mà chưa ngôi chùa nào có”- Ni cô Đàm Thanh bắt đầu câu chuyện.
Theo ni cô Đàm Thanh, Chánh điện lớn nhất rộng 3.000m2. Đây là Chánh điện chưa có ngôi chùa nào rộng như vậy cho đến thời điểm này.
Một góc quần thể chùa nhìn từ Chánh điện |
Để lên được chánh điện, chúng tôi “leo” 47 bậc đá. Tôi thắc mắc tại sao lại là 47 bậc, mà không phải 48 hoặc 49? Ni cô Đàm Thanh cho hay, sở dĩ có 47 bậc đá là vì, đây là con số “độc địa”. Số 47 là biểu tượng của thần linh, ẩn chứa sức mạnh, giúp con người vượt qua tất cả mọi khó khăn và thử thách.
Đây cũng là số cân bằng âm dương, giúp con người có thêm bản lĩnh, vượt qua mọi nguy nan, khi khốn đốn đi qua, bình an ắt tới. Với Chánh điện rộng 3.000m2, có thể chứa hàng ngàn tăng ni phật tử đến hành lễ một lúc. Trong chánh điện có hơn 6 ngàn tượng phật được in vàng vào những phiến gỗ dán lên tường. Phía sau phiến gỗ hình tượng phật ấy là tên tuổi của mỗi gia đình, hoặc ai đó có duyên với chùa hoặc đã gửi gắm hương linh nơi cửa phật tại chùa.
Tháp Thiên giữa không trung |
Xác lập kỷ lục quốc gia thứ hai là ngôi chùa có tượng ba tượng Di lặc Bồ tát nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất nặng hơn 40 tấn. Đây được coi là “biểu tượng của chùa”. Ba tượng Di lặc Bồ tát được đặt sau cổng chùa, trước hồ sen quanh năm hoa thơm ngát. Ba tượng Di Lặc Bồ Tát như sự giang tay độ thế chúng sanh, mời gọi, đón nhận những người nghèo khổ, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh. Cạnh đó là chiếc loa nhỏ phát đi những bản cầu kinh niệm phật linh thiêng 24/24 giờ.
49 phật Quan âm Bồ tát |
Xác lập kỷ lục quốc gia thứ ba là ngôi chùa có tượng phật nhiều - hơn 10.000 tượng. Trong hơn 10 ngàn tượng phật ấy, phải kể đến 20 vị la hán và 49 tượng Phật bà Quan âm an tọa linh thiêng giữa đất trời. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, ở “quần thể” tượng này luôn toát lên vẻ linh thiêng, tĩnh lặng. Bao quanh “quần thể” tượng ấy là hàng ngàn chậu hoa giấy xanh mướt lá, hoa rực rỡ màu hồng nhạt. Đây cũng chính là nơi hành lễ ngoài thiên (ngoài trời) cho hàng ngàn phật tử, tăng ni trên khắp mọi miền đất nước.
20 vị la hán giữa thiên sân |
Xác lập kỷ lục quốc gia thứ tư là ngôi chùa có số lượng tăng ni tập trung nhiều nhất lên tới 1.250 người. Đây chính là những người đến đào tạo phật pháp kinh giới. Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Cuộc sống mưu sinh của những tăng ni này là lao động trồng rau, lúa, ngô, khoai sau những giờ miệt mài kinh kệ.
Ngoài 4 kỷ lục quốc gia được xác lập, Đại Tòng Lâm còn biết đến là ngôi chùa có màu xanh nhiều nhất với sự bình lặng vô bờ. Theo ni cô Đàm Thanh, Đại Tòng Lâm có hàng trăm loài cây xanh quanh năm rợp bóng mát. Những loài cây này không chỉ thể hiện sức sống nguyên sinh, bình lặng gần gũi thiên nhiên; mà còn là những chiếc ô khổng lồ che nắng cho hàng triệu người Việt và kiều bào nước ngoài vãng cảnh chùa bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Bên trong tòa Chánh điện |
Dưới chân Đức Phật từ bi
Ngày cuối cùng của tháng Tám mùa Thu, Đại Tòng Lâm không đông người đến như những ngày lễ, tết khác. Một mặt do dịch Covid đang hành hoành, nhà chùa không tiếp đón những đoàn khách đông; một mặt, ở nơi rộng lớn “quanh năm lặng bình” như Đại Tùng Lâm thì dù khách đông, cũng trở nên “vắng lặng”.
Quì dưới chân Đức Phật, tất cả chúng tôi cầu cho quốc thái dân an, đất nước hòa bình, bờ cõi yên ổn, gia đình hạnh phúc. Cầu cho Tổ quốc Việt Nam hòa bình thống nhất và phồn thịnh mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết gầy dựng suốt 75 năm qua.
Khách đến vãng chùa |
Thả mình vào không gian thanh tịnh của chốn thiền môn, thi sĩ Thúy Nga chia sẻ: “Đến thiền môn để hóa giải nhọc nhằn nơi phồn hoa đô thị”. Còn anh Nguyễn Hồng Thái- chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca Vũng Tàu cho rằng: “Đến Đại Tòng Lâm không chỉ tìm về nơi yên bình thanh tịnh để lòng bớt nhọc với trần thế sự đời, mà còn tìm đến mảng xanh của nguyên sinh, đến để hít thở không khí trong lành mà ở đô thị không bao giờ có được”.